"Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm khi chuyên gia nước ngoài lây COVID-19 ra cộng đồng"
VOV.VN - Đây là ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc.
Chiều 7/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tại Việt Nam, đây là đợt dịch COVID-19 thứ 4, với 2 điểm phức tạp hơn các đợt dịch trước, với nguồn lây, có mầm bệnh đã có trong cộng đồng. Virus lần này được xác định là chủng Ấn Độ có tốc lây nhiễm rất nhanh.
Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, thứ nhất, dù có diễn biến dịch có thay đổi thế nào thì những bước, những nguyên lý là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị là không thay đổi.
Nguyên tắc thứ 2 là trong điều kiện bình thường mới, các cá nhân phải tuân thủ khẩu hiệu 5K, đặc biệt là khẩu trang.
Thứ 3 là phương châm tại chỗ, song một số địa phương đã làm chưa tốt. Trong đó, vấn đề xuất nhập cảnh, phải ngăn chặn hiệu quả nhập cảnh trái phép. Ngoài lực lượng biên phòng, công an… quan trọng là cùng nhân dân, cùng cộng đồng phát hiện người nhập cảnh không khai báo. Kêu gọi người dân vận động người thân ở nước ngoài ở tại chỗ, trong trường hợp buộc phải về nước thì nhập cảnh hợp pháp, khai báo y tế đúng quy định. Các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý rất nghiêm, đặc biệt là hành vi tổ chức đưa người về trái phép.
Ngoài ra, việc quản lý người nhập cảnh hợp pháp cũng rất quan trọng. Với các chuyên gia nước ngoài, phần lớn cách ly tại các khách sạn. Tuy nhiên, theo kiểm tra, rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm cách ly phòng dịch. Điều quan trọng nữa là quản lý sau thời gian cách ly đi về doanh nghiệp làm việc, bởi đây vẫn là diện giám sát y tế sau cách ly. Kể cả người Việt Nam sau cách ly tập trung xong cũng lơ là theo dõi y tế khi về nhà.
Theo Ban Chỉ đạo, khi đưa chuyên gia vào phải do UBND tỉnh đề nghị và khi đề nghị phải biết chuyên gia đến doanh nghiệp nào và phải có kế hoạch chuẩn bị về cách ly, theo dõi y tế thế nào… Nhưng nhiều nơi đã làm không chặt chẽ, y tế, công an, quân đội không có phương án cho các trường hợp này.
“Do vậy, chúng ta phải siết lại. Với tinh thần cụ thể, người ra khỏi khu cách ly nếu là người Việt Nam, phải bàn giao cho các tổ dân phố. Với chuyên gia nước ngoài khi ra khỏi khu cách ly tập trung về doanh nghiệp làm việc phải thực hiện theo đúng kế hoạch ban đầu và doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Các tỉnh vừa qua đã kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan y tế địa phương, của một số cá nhân, nhưng lại bỏ sót trách nhiệm của các doanh nghiệp trên địa bàn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Về xét nghiệm, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, hiện nhiều tỉnh chưa có máy xét nghiệm RT-PCR. Theo đó, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cho rằng, các địa phương này chưa làm tốt phương châm 4 tại chỗ để ứng phó dịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phối hợp với nhau để củng cố hỗ trợ năng lực xét nghiệm, đảm bảo xét nghiệm phòng, chống dịch. Đồng thời, đề nghị Hà Nội, TPHCM và những địa phương có kinh nghiệm hỗ trợ các địa phương khác trong triển khai xét nghiệm.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh vấn đề khoanh vùng và phong tỏa, theo đó vẫn đặt mục tiêu “chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế”. Đây là trách nhiệm và bản lĩnh của địa phương, với nguyên tắc khoanh gọn, tạm dừng các hoạt động dịch vụ không cấp thiết….
“Với quyết định giãn cách toàn tỉnh phải hết sức thận trọng và bản lĩnh”, Phó Thủ tướng nói./.