Dòng người đổ về miền Tây, các tỉnh thành kích hoạt thêm khu cách ly
VOV.VN - Ngày 3/10, người dân miền Tây đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM và Bình Dương tiếp tục tự đi về quê bằng xe gắn máy. Nhiều địa phương đã kích hoạt thêm khu cách ly.
Từ đêm 2/10 đến sáng 3/10, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại quốc lộ 1 thuộc xã Tân Hương, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã giải quyết cho hàng nghìn người dân đi xe gắn máy từ hướng TP.HCM về nhiều địa phương của vùng ĐBSCL.
Để giúp cho người dân Miền Tây giảm bớt khó khăn trên đường về quê, rất nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hàng chục điểm hỗ trợ nước suối, bánh mì, cơm hộp cho người đi qua ngang quốc lộ 1.
Một số điểm test nhanh miễn phí bố trí tại ven đường cũng sẵn sàng phục vụ khách đường xa khi có nhu cầu, thể hiện tình thương yêu đậm tính nhân văn.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, người dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bày tỏ: “Tôi cũng như bà con đợi qua chốt Tân Hương này rất đông nhưng thấy những người làm nhiệm vụ tại đây cũng rất nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ làm các thủ tục cần thiết. Do dịch bệnh nên mấy tháng nay chúng tôi ở TP.HCM rất khó khăn, mong sớm về nhà gặp lại người thân".
Tỉnh Tiền Giang còn bố trí thêm 2 điểm cách ly tại Trường THCS Trung An và Nhà Tang lễ tỉnh (TP. Mỹ Tho) để tiếp nhận các công dân trung chuyển về các tỉnh ĐBSCL theo đề nghị của Quân khu 9.
Nằm ngay cạnh Tiền Giang, tỉnh Bến Tre đến nay đã tiếp nhận hơn 2.200 trường hợp người từ các nơi về địa phương; trong đó có 1.280 người được cách ly tập trung, gần 1.000 người cách ly, theo dõi tại nhà. Hiện nay, người dân tỉnh Bến Tre từ TP.HCM và vùng Đông Nam bộ về quê tiếp tục gia tăng, trong khi các điểm cách ly tập trung của tỉnh đã quá tải.
UBND tỉnh Bến Tre có chủ trương sẽ tiếp tục trưng dụng các trường tiểu học làm điểm cách ly; giao mỗi huyện đảm bảo ít nhất 500 chỗ cách ly, tỉnh sẽ chịu trách nhiệm 1.000 chỗ cách ly để phục vụ cho khoảng 5,5 nghìn người về quê. Đối với các trường hợp như người già bệnh, phụ nữ sắp sinh con và trẻ em nhỏ thì cách ly tại nhà.
Hiện tại, khu vực cách ly của tỉnh Bến Tre bố trí ở 3 điểm với 1.000 chỗ cách ly gồm: Trung đoàn 895 (tại huyện Giồng Trôm), Trường Cao đẳng Đồng Khởi (tại huyện Giồng Trôm) và Trường Cao Đẳng Bến Tre (tại Thành phố Bến Tre).
Nằm ở vị trí tiếp nối Tiền Giang trên Quốc lộ từ TP.HCM về Miền Tây, trong 2 ngày qua tỉnh Vĩnh Long tiếp nhận khoảng 1.200 người từ TP.HCM và các tỉnh miền đông trở về địa phương. Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngày 2/10 tỉnh đã kích hoạt 2 khu cách ly với sức chứa khoảng 2.500 người. Vĩnh Long sẽ xem xét để kích hoạt thêm nhiều khu cách ly khác.
Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết:"Bà con từ TP.HCM hoặc từ các tỉnh khác về Vĩnh Long đi tự phát bằng xe gắn máy. Vấn đề này gây khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương. Tỉnh chỉ đạo phải quản lý được các đối tượng này. Tại chốt, chúng tôi sẽ thực hiện việc kiểm soát và phân loại, nếu là người của tỉnh Vĩnh Long sẽ đưa vào khu cách ly và thời gian cách ly cũng 14 ngày và thực hiện xét nghiệm".
Tỉnh Hậu Giang cũng đã khẩn trương thiết lập thêm các cơ sở cách ly tập trung. Hậu Giang thống nhất trưng dụng một số cơ sở cách ly trước đây để làm khu cách ly tập trung, gồm Trường Đại học Võ Trường Toản; Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ (Khu Hòa An); Trường Quân sự địa phương (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp); Khu ký túc xá Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang; Trường Cao đẳng Luật miền Nam...
Ngay ngày 2/10, UBND thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức tiếp nhận người dân về quê để đưa đi cách ly. Thành phố cũng chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp khẩn trương kích hoạt thêm các khu cách ly tập trung, đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận công dân về từ vùng có dịch.
Tại tỉnh An Giang mặc dù tỉnh đã thông báo chưa có kế hoạch tiếp nhận người dân về quê tự phát, thế nhưng tại chốt kiểm soát T2 thuộc khu vực Vàm Cống, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, cửa ngõ chính vào tỉnh An Giang vào sáng 3/10, dòng người vẫn tiếp tục nối đuôi nhau đổ về đây.
Lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã được tăng cường nhằm kiểm soát tình hình an ninh trật tự và yêu cầu bà con không được tự ý di chuyển sâu vào địa phận thành phố Long Xuyên. Đồng thời đã tổ chức phát cơm, bánh mì, sữa và nước uống miễn phí cho người dân, đảm bảo cho người dân không bị đói, khát trong thời gian chờ địa phương bố trí vào khu vực tiếp nhận tạm thời, để sàng lọc và đưa về các khu cách ly.
Cũng như các địa phương khác trong khu vực, mấy ngày qua tỉnh Đồng Tháp cũng tiếp nhận rất nhiều người dân từ TP.HCM về. Khi về đến địa phương, người dân được test nhanh, phân nhóm theo các địa phương để bố trí đưa về các khu cách ly tập trung.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ với những khó khăn của người dân trong suốt thời gian qua, đồng thời mong muốn người dân Đồng Tháp đang sống và làm việc ngoài tỉnh không nên tự ý trở về địa phương, nếu có nhu cầu thì đăng ký với chính quyền địa phương để tỉnh có kế hoạch đón rước phù hợp.
"Bây giờ tốt nhất bà con ở đâu nên ở đó, để cho nó ổn định lại rồi tìm cách mưu sinh trở lại, còn di chuyển lúc này mang theo mầm bệnh khó kiểm soát, ảnh hưởng tới địa phương, nơi mà gia đình họ trở về cư ngụ cũng khó khăn"- ông Bửu nói.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 30/9 đến này, số lượng người dân Sóc Trăng từ các tỉnh, thành phố tự phát trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân đã lên tới trên 24.000 người. Riêng trong đêm 2/10 và rạng sáng ngày 3/10, đã có trên 16.000 người trở về địa phương, vượt quá khả năng cách ly điều trị của tỉnh.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, trong 2 ngày qua, tại các chốt cửa ngõ của tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận hơn 7 ngàn người từ đi xe máy về quê, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo cho các huyện cửa ngõ như Tân Hiệp, Gò Quao tăng cường lực lượng, trong đó giao cho Công an huyện phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương tiếp nhận, phân loại người dân theo từng địa bàn, bố trí nơi nghỉ ngơi tạm thời, phát thức ăn, nước uống và tiến hành tiến hành xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2.
Nhìn chung các tỉnh trong khu vực ĐBSCL không có kế hoạch tiếp nhận các công dân tự đi xe máy về địa phương. Tuy nhiên khi các công dân đã về đến nơi, buộc các địa phương phải tiếp nhận mặc dù các khu cách ly ở trong tỉnh đã quá tải. Đã có ý kiến đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê vào thời điểm này.
Đáng chú ý,chỉ qua vài ngày tiếp nhận người về từ quê những ngày qua, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện nhiều trường hợp nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2, nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch cao nếu các địa phương không kiểm soát tốt và có biện pháp cách ly phù hợp. Ví dụ như Cà Mau đã phát hiện 9 ca dương tính. Còn Đồng Tháp, chỉ từ 18h ngày 2/10 đến 6h sáng 3/10 ghi nhận 14 ca mắc Covid-19 mới; trong đó có 12 trường hợp về từ các tỉnh Long An và TP.HCM.../.