Gần 11.000 F0, Đắk Lắk ứng phó trên nhiều hướng
VOV.VN - Tính đến sáng 25/12, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận gần 11.000 bệnh nhân Covid-19, con số này đã vượt xa mọi dự báo ban đầu của tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ từ nhiều hướng, dịch Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát của tỉnh.
Thành phố Buôn Ma Thuột là địa phương dẫn đầu tỉnh Đắk Lắk về số bệnh nhân Covid-19 với hơn 2.900 ca tính đến sáng 25/12. Đây cũng là địa phương luôn trong tình trạng dịch phức tạp suốt hơn 2 tháng qua, với 30 - 50 ca mỗi ngày, 70% là những ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Nhờ có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, dịch Covid-19 ở thành phố được xếp vào cấp độ 2, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tuy nhiên thành phố vẫn đang ngưng các hoạt động này.
Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, chỉ khi nào số ca cộng đồng được kiểm soát, Buôn Ma Thuột mới có thể nới lỏng các hoạt động kinh doanh dịch vụ.
“Việc nới lỏng của chúng tôi sẽ phải thực hiện theo lộ trình tương ứng với việc bao phủ vaccine mũi 2 cho toàn dân. Khi nào việc kiểm soát dịch bệnh và khả năng thích ứng xử lý các tình huống, các ca lây nhiễm trong cộng đồng chúng tôi có thể thực hiện theo đúng kế hoạch thì việc nới lỏng sẽ tiến hành theo từng bước”,
Cẩn trọng cao độ với Covid-19, nên dù đã trở thành vùng xanh của tỉnh, huyện Krong Buk vẫn chủ động thành lập các Trạm y tế lưu động, cung cấp bình ôxy và chuẩn bị mọi điều kiện để vận hành việc điều trị F0 tại nhà.
Ông Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết, các phương án vừa nêu là dự phòng cho tình huống cấp bách. Hiện tại, Krông Buk đã sẵn sàng 300 giường bệnh tầng 1 và 2, nhiều gần gấp 4 lần số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị.
“Khu vực mình là đa tầng, nếu mở rộng tầng 1 ra thì mình quản lý theo dõi sức khỏe bệnh nhân tầng 1 tại khu cách ly y tế thì sẽ tốt hơn điều trị F0 tại nhà vì trên 35% tỷ lệ là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhà sàn, sinh hoạt chung làm gì có phòng điều trị riêng được, nên xét từng địa phương thì đối với địa phương này nên mở tầng 1 rộng ra và theo dõi sức khỏe thì sẽ tốt hơn”, ông Thuận nói.
Dù mỗi ngày có trên 100 ca Covid-19 mới và số ca lũy kế đã lên tới gần 11.000, nhưng do có nhiều ca sớm xuất viện nên cả tỉnh chỉ có gần 2.000 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế và khoảng 50 ca điều trị trị tại nhà. Bên cạnh đó, gần 70% dân số của Đắk Lắk đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine, nên Đăk Lắk chỉ có 1 huyện có dịch ở cấp độ 3, 9 huyện, thành phố ở cấp độ 2 và 5 huyện, thị xã ở cấp độ 1.
Theo ông Nay Phi La, Giám đốc Sở y tế tỉnh Đắk Lắk, tỉnh vẫn đang đảm bảo đủ cơ sở vật chất và con người để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hiện nay, tỉnh cũng đã thay đổi kịch bản phòng chống dịch theo tình hình mới khi xây dựng kế hoạch theo ngày, một ngày từ 100 đến 300 bệnh, từ 300 đến 500 bệnh và từ 500 đến 1.000 bệnh. Công tác khoanh vùng, cách ly, điều trị cũng được thay đổi linh hoạt, phù hợp với từng địa phương.
“Một ngày 100 đến 300 người bệnh thì sẽ kích hoạt tất cả khu cách ly trên kế hoạch 5 cấp của UBND tỉnh. Song song với đó thực hiện Nghị Quyết 128 ngành y tế triển khai bệnh viện chia đôi tức là vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa thu dung điều trị bệnh nhân ở tầng 2. Bên cạnh đó thì đẩy mạnh công tác điều trị F0 tại nhà thì ngành y tế đã thành lập 184 Trạm y tế lưu động và có 4 phòng khám tư nhân tham gia cùng điều trị và đang trình cho Ủy ban tỉnh là tất cả các cơ sở y tế tư nhân cùng với Bệnh viện công lập tiếp nhận điều trị F0 ở những bệnh triệu chứng nhẹ và song song bên cạnh đó tiếp tục củng cố tầng 3 đầu tư tăng cường các máy thở và đào tạo về nhân lực nhằm đáp ứng đủ được nhu cầu 100 giường bệnh ICU ở tầng 3", ông Nay Phi La cho biết./.