Gặp khó nguồn vật liệu, 11 dự án cao tốc Bắc-Nam khó về đích đúng hẹn
VOV.VN - Thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng và vướng mắc giải phóng mặt bằng khiến một số dự án cao tốc Bắc Nam đang bị chậm so với kế hoạch.
Tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đang được Bộ GTVT triển khai 11 dự án thành phần với chiều dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành phố. Trong đó có 8 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách và 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, tuyến cao tốc này đang gặp khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu và biến động giá vật liệu. Nếu không giải quyết dứt điểm trong tháng 7 này, dự án khó về đích theo đúng kế hoạch đề ra.
Tiến độ 11 dự án cao tốc Bắc – Nam hiện như thế nào?
Theo báo cáo của Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần được bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019, nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương, đến nay đã cơ bản hoàn thành và bàn giao được 638,8km/652,86km (đạt 97,8%).
Đối với các khu tái định cư, hiện đã hoàn thành 73/83 khu (đạt 87,9%), đang triển khai thi công 9 khu, dự kiến hoàn thành vào đầu quý 3/2021. Riêng một khu tái định cư thuộc dự án Phan Thiết-Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào cuối năm 2021 (hiện nay địa phương đã bố trí tạm cư).
Các tồn tại, vướng mắc hiện nay được Bộ GTVT chỉ ra chủ yếu là do chậm trễ trong công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường ống nước, cáp viễn thông), xây dựng các khu tái định cư, một số ít vị trí người dân chưa đồng thuận về đơn giá đền bù (đoạn Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết).
Hiện Bộ GTVT đã khởi công xây dựng 7/11 dự án thành phần, giá trị sản lượng hoàn thành khoảng 6.666,02 tỷ đồng (tương đương 16,6% giá trị hợp đồng); 4/11 dự án thành phần còn lại đang chuẩn bị khởi công xây dựng.
Cụ thể, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn (dài 15,2km) đã thực hiện 75,71% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành năm 2021. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,01km) đã thực hiện 43,13% giá trị hợp đồng (trừ gói thầu xây dựng thân trụ neo, trụ tháp và kết cấu phần trên nhịp chính dây văng sẽ triển khai sau khi hoàn thành gói thầu thi công hạng mục cọc khoan nhồi và bệ cọc), kế hoạch hoàn thành dự án vào tháng 12/2023.
Đoạn Cam Lộ-La Sơn (98,3km) đã thực hiện đạt 52,5% giá trị hợp đồng, theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành năm 2021. Tuy nhiên, dự án có khả năng không hoàn thành đúng kế hoạch do một số nguyên nhân ảnh hưởng của bão lũ khu vực miền Trung năm 2020, dịch COVID-19; khó khăn trong nguồn vật liệu đất đắp; chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đối với những đoạn phải xử lý nền đất yếu.
Đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,37km) khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2022. Đến nay, đã thực hiện 15,51% tổng giá trị hợp đồng; tiến độ chậm khoảng 0,39% giá trị hợp đồng.
Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 100,8km) khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2022; đến nay đã thực hiện 10,4% tổng giá trị hợp đồng; tiến độ chậm khoảng 0,5% giá trị hợp đồng.
Đoạn Phan Thiết-Dầu Giây (dài 99km) khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2022. Đến nay, đã thực hiện 8,65% tổng giá trị hợp đồng; tiến độ chậm khoảng 1,49% giá trị hợp đồng.
Đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (dài 49,3km) đã khởi công ngày 22/5/2021, hiện nhà đầu tư BOT đang triển khai khảo sát lập thiết kế bảo vệ thi công, kế hoạch hoàn thành dự án vào tháng 5/2024.
Hai dự án chuyển đổi sang đầu tư công gồm Quốc lộ 45-Nghi Sơn dài 43,28km, Nghi Sơn-Diễn Châu dài 50km sẽ khởi công vào đầu tháng 7/2021. Hai dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công-tư là Nha Trang-Cam Lâm dài 49,1km khởi công tháng 7/2021, Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài 78,5km dự kiến khởi công tháng 9/2021.
Theo Bộ GTVT, hiện nay các tỉnh thành có dự án cao tốc đi qua đã bàn giao 634 trong số 652 km đường (đạt 97%), còn lại 18 km chưa bàn giao chủ yếu do địa phương chưa hoàn thành khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Ngành giao thông đã kiến nghị Chính phủ đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý 3; yêu cầu các ban quản lý dự án cùng địa phương giải quyết dứt điểm tồn tại về mặt bằng, đảm bảo tiến độ các dự án.
Điểm nghẽn về nguồn và giá vật liệu cần sớm tháo gỡ
Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công dự án, theo báo cáo từ các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường tại 10/11 dự án thành phần (trừ đoạn Cao Bồ-Mai Sơn đã hoàn thành đắp nền đường) khoảng 53,2 triệu m3, các mỏ đã cấp phép khai thác hiện nay (79 mỏ) mới đáp ứng được khoảng 30,4/53,2 triệu m3 (tương đương 57,2% nhu cầu), khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 22,8/53,2 triệu m3 (tương đương 42,8% nhu cầu) nằm tại 116 mỏ chưa được cấp phép khai thác.
Dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tuy nhiên phía Bộ GTVT thừa nhận còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác (đối với các mỏ cấp phép mới) như lập dự án đầu tư, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường,... theo quy định của Luật Khoáng sản.
“Nếu trong tháng 7/2021, không tháo gỡ được các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu đất đắp, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.
Để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đi qua được cấp phép khai thác ngay (không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác nêu trên) đối với trường hợp cấp phép mới các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án tương tự quy định tại điểm a khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản.
Trong thời gian gần đây, thực tế trên thị trường, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến đã gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, Bộ GTVT đề nghị công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng; nghiên cứu, cho phép được điều chỉnh phương pháp điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng đã ký kết trên cơ sở công thức điều chỉnh giá./.
Ngày 30/6, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 60 của Chính phủ. Chủ tịch UBND các tỉnh cần chỉ đạo giám đốc sở, ngành khẩn trương rà soát để nâng công suất các mỏ đang khai thác. Nếu phát hiện mỏ nào có hiện tượng ép giá nhà thầu, xem xét thu hồi ngay giấy phép khai thác và xử lý theo quy định”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT phải thành lập ngay 5 đoàn kiểm tra, trước ngày 15/8/2021 phải có báo cáo kết luận về việc xử lý tất cả những vi phạm liên quan đến quản lý mỏ phục vụ công trình trọng điểm này.
“Chúng ta có nhiều mỏ vật liệu, có bộ máy trong tay mà để công trình trọng điểm quốc gia thiếu vật liệu thi công là điều không thể chấp nhận được. Bộ TN&MT phải lập ngay các đoàn kiểm tra, tinh thần là phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét giải quyết các vướng mắc về việc biến động giá vật liệu (sắt, thép); nguồn vốn tín dụng cho 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam; điều chỉnh chi phí cho tư vấn giao thông đảm bảo phù hợp thực tiễn.
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.799 km, trong đó 654 km đi qua 13 tỉnh thành, thuộc 11 dự án đang được xúc tiến xây dựng.
Sau khi hoàn thành 11 dự án, cùng với hơn 300 km cao tốc đã được khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ có hơn 1.000 km, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên quốc lộ 1. Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, ngành giao thông sẽ đầu tư 659 km còn lại đến năm 2025.