Giải bài toán nguồn nhân lực tại Hải Phòng: Cần chiến lược lâu dài
VOV.VN - Hải Phòng cần có những những chiến lược lâu dài để thu hút nhân lực từ các địa phương, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới của thành phố.
“Việc tìm người”, “khan hiếm lao động” là tình trạng phổ biến hiện nay tại các khu, cụm công nghiệp ở thành phố Hải Phòng. Cùng với những giải pháp thu hút, tuyển dụng lao động tại chỗ phục vụ nhu cầu trước mắt của các doanh nghiệp, Hải Phòng cần có những những chiến lược lâu dài để thu hút nhân lực từ các địa phương, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới của thành phố.
Công ty cổ phần Lâm Thịnh (địa chỉ tại phường Lãm Hà, quận Kiến An, Hải Phòng) tuyển loạt vị trí việc làm, như: Phụ xe, quản lý điện nông thôn, tự động hóa, thợ sửa chữa – thợ lái máy xúc, thợ sửa chữa ô tô…với mức lương, thưởng và các chế độ ưu đãi. Thế nhưng, công ty đăng tuyển trên các kênh tuyển dụng việc làm, như: Tìm việc nhanh, careerlink, careerbuilder, Website của công ty hay trang Facebook, zalo của các nhân viên nhân sự… khá lâu mà vẫn chưa tìm được ứng viên như ý.
Chị Lương Thị Hợp, nhân viên phòng Hành chính nhân sự Công ty Cổ phần Lâm Thịnh trực tiếp tham gia 3 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hải Phòng, nhưng vẫn…lắc đầu ngán ngẩm.
"Đợt này tuyển dụng cũng tương đối khó khăn, cũng không có quá nhiều ứng viên. Sàn này vào ngày mùng 10, 20, 30 hàng tháng, tôi đều đến đây nhưng cũng không gặp được ứng viên nào, cũng thiếu nhân lực tương đối nhiều. Tôi thấy rất là khó tuyển. Cũng có thể bây giờ lao động có nhiều lựa chọn. Ngày xưa có thể ít doanh nghiệp, giờ các khu công nghiệp nhiều", chị Hợp nói.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng đã tuyển hơn 6.000 lao động mới, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và phát triển. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng trên 70 ngàn lao động, với đủ các vị trí từ quản lý, lao động có chuyên môn nghiệp vụ đến lao động phổ thông.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, Ban quản lý Khu kinh tế liên tục phối hợp các Khu, cụm công nghiệp, các quận, huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối các doanh nghiệp với công nhân, người lao động.
Tuy nhiên, Hải Phòng hiện có 13 khu công nghiệp thuộc Ban quản lý Khu kinh tế với 170 dự án trong nước và gần 400 dự án đầu tư nước ngoài, cùng nhiều khu, cụm công nghiệp, nhiều doanh nghiệp nằm rải rác trên địa bàn, nhu cầu lao động cho phát triển công nghiệp là rất lớn.
Trong khi, dân số thành phố Hải Phòng khoảng 2 triệu người, trong đó hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động; vì vậy, những giải pháp lao động tại chỗ là chưa đủ.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Hải Phòng cho biết: "Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố cũng phải quan tâm đến nguồn lao động ngoại tỉnh về với Hải Phòng. Đặc biệt là TP trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tới việc thu hút các nhà đầu tư lớn về với HP, kéo theo nhu cầu về nhân lực rất lớn. TP đang xây dựng nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội để thu hút tạo việc làm, đồng thời thu hút người lao động ở các địa phương khác về với HP để phục vụ quá trình phát triển của TP".
Từ nay đến năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu mở rộng thêm 15 Khu công nghiệp mới và 23 cụm công nghiệp đạt các tiêu chuẩn hiện đại. Để tạo tiền đề cho sự phát triển này, cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư…, ngay từ bây giờ, thành phố cũng cần quan tâm đến bài toán về nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương về với Hải Phòng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hải Phòng cần đẩy nhanh các dự án nhà ở cho công nhân, xây dựng thêm nhiều trường học, nhà trẻ cho con em công nhân, nâng cao đời sống công nhân lao động… Theo ông Nguyễn Cao Lân, Bí thư huyện An Lão (Hải Phòng), nếu những chính sách thu hút lao động, nếu các dự án nhà ở công nhân không sớm được triển khai thì Hải Phòng sẽ mất lợi thế cạnh tranh với các địa phương khác.
"Mong muốn TP có chính sách thu hút nguồn nhân lực, ví dụ về nhà ở xã hội, tăng cường xây dựng các khu nhà ở xã hội và có cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, Quảng Ninh đang đầu tư đẩy mạnh việc này, những tỉnh bên cạnh như Thái Bình, Hải Dương cũng đang công nghiệp hóa mạnh. Trong khi lao động của chúng ta khá đông từ các tỉnh lân cận, khi họ cũng đẩy mạnh công nghiệp hóa như mình, nguồn nhân lực hầu hết tỉnh nào về tỉnh ấy, nếu chúng ta không có nguồn nhân lực ở ổn định tại địa phương thì rất khó để đáp ứng được yêu cầu phát triển", ông Lâm nói.
Trong cuộc họp mới đây với các địa phương về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhà ở công nhân hiện đang vấn đề cấp bách; các địa phương cần có cơ chế huy động các nguồn lực để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt, với một địa phương đang phát triển công nghiệp mạnh mẽ và cần thu hút một nguồn nhân lực lớn như Hải Phòng thì vấn đề nhà ở công nhân và những thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động càng trở nên bức thiết; thúc đẩy công nghiệp phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố Hải Phòng./.