Hà Nội chấn chỉnh tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”
VOV.VN - Hà Nội áp dụng chỉ thị 16 đã hơn 1 tháng nhưng đến nay tình hình dịch vẫn còn phức tạp. Điều này cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Sau hơn một tháng áp dụng chỉ thị 16, thành phố Hà Nội vẫn còn 8 ổ dịch phức tạp và thời gian tới nhiều khả năng tiếp tục ghi nhận ca dương tính không rõ nguồn lây. Đáng chú ý là nguy cơ phát sinh các chùm ca bệnh mới rất cao ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau. Điều này cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc. Đáng lo ngại là ngay cả các khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Dân cư “vùng xanh” đi lại nhộn nhịp
Thành phố Hà Nội đang thời gian giãn cách đợt 3 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được. Tại một số khu dân cư “vùng xanh”, tranh thủ thời điểm lực lượng chức năng không tuần tra, kiểm soát, tình trạng đi lại, mua bán diễn ra khá nhộn nhịp vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ chiều. Một số người dân nêu ý kiến.
“Tôi thấy chốt trực chỉ chặt chẽ từ 7h-9h sáng, buổi chiều từ 16h đến 18h, sau giờ đó mọi người lại đi ra đi vào thoải mái, vậy thì kiểm soát được bao nhiêu? Ngay cả việc đi chợ, mọi nhà đều được phát phiếu đi chợ nhưng tôi nói thật, tôi cũng không cần dùng đến phiếu đi chợ, bởi tôi có thể mua được tất cả các thứ mình muốn ngoài chợ. Vậy như thế thì làm sao kiểm soát được? Nếu có trường hợp F0 nào đó vào chợ thì điều tra dịch tễ bằng cách nào?”, nhiều người đặt ra câu hỏi.
Các chùm ca bệnh mới tại “điểm nóng” phường Thanh Xuân Trung cho thấy người dân không tuân thủ tốt quy định giãn cách ngay tại khu dân cư. Lực lượng chức năng không kiểm soát chặt mọi đối tượng ra vào ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Thậm chí, nhiều trường hợp chủ quan, coi thường sự lây lan của dịch bệnh, ở nhà lâu ngày thấy gò bó nên ra ngoài, tìm cách trốn các chốt kiểm dịch. Những yếu tố này làm cho việc kiểm soát, khống chế dịch trở nên phức tạp, khó khăn hơn nhiều.
Việc kiểm soát giấy đi đường, thẻ đi chợ thời gian qua vẫn còn "nhiều lỗ hổng". Cụ thể, người dân trong khu vực phong tỏa phường Thanh Xuân Trung vẫn sang phường Nhân Chính đi chợ.
Bà Nguyễn Thị Yên, giữ chốt vùng xanh ngõ 44, phố Nhân Hòa, cách chợ Nhân Chính khoảng 100m, lo lắng việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.
“Mặc dù chúng ta khoanh vùng, thực hiện giãn cách nhưng họ vẫn phải ra ngoài vì cuộc sống, mưu sinh. Nhưng khi họ ra ngoài thì không biết họ tiếp tục với những ai, khi trở về chưa chắc đã “sạch”, cũng có mầm mống. Khi đi ra thì chính đáng nhưng khi về có thể họ nhiễm “bệnh” trở về vùng xanh”, bà Yên chia sẻ.
Giữ chặt từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong
Hiện nay, tại chốt kiểm soát vùng xanh, các khu dân cư cắt cử người trong tổ Covid cộng đồng và người dân trong khu dân cư tự quản. Điều này cho thấy, việc kiểm soát dịch bệnh ở các địa bàn đông dân cư chưa vững chắc.
Theo bà Nguyễn Thị Hiển, Tổ trưởng Tổ dân phố số 38, phường Trung Hòa, với đặc điểm khu dân cư có nhiều lối ra vào thông nhau nên nhân viên giao hàng (hay còn gọi là Shiper), kỹ thuật viên sửa chữa mạng, máy móc thiết bị… có thể tránh chốt kiểm soát vào trong khu dân cư. Việc kiểm soát lỏng lẻo sẽ kéo theo nguy cơ nguồn lây từ bên ngoài vào.
“Nếu là ngõ an toàn thì phải có barie, không cho người ngoài vào, vùng xanh an toàn phải rất chặt chẽ, phải phối hợp cả tổ covid cộng đồng, vừa cả bảo vệ. 3 người ở tổ covid gồm: một người ở Ban quản trị tòa nhà, hai là một người ở cấp ủy đảng, ba là một người phụ trách bảo vệ và chúng tôi liên tục có người như thế thì mới đảm bảo an toàn được”, bà Nguyễn Thị Hiển cho hay.
Ngày 31/8, qua kiểm tra công tác phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu ra những hạn chế người dân vẫn ra đường khá đông, chưa đạt kết quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Việc kiểm tra cho thấy, nếu tình hình vẫn như hiện nay thì thành phố còn có thể kiểm soát được, song nếu dịch diễn biến phức tạp, xấu hơn như một số tỉnh, thành phố phía Nam thì Hà Nội dễ rơi vào bị động, lúng túng.
Khắc phục sơ hở, tập trung chặn dịch từ “gốc” mới có thể đưa Hà Nội về trạng thái an toàn, các quận, huyện đã chủ động lên kế hoạch đánh giá các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ tạm... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động; tổ chức kiểm soát dịch chặt chẽ từ “gốc” tới từng ngõ, ngách, từng hộ gia đình.
Thiếu tá Trần Trung Kiên, Phó trưởng Công an phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cho biết, là địa bàn có mật độ dân cư cao, các phương án đã được triển khai theo 4 cấp độ. Bên cạnh tăng cường kiểm soát, làm chặt chẽ hơn việc quản lý người ra đường, thì sẽ siết chặt kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố kết hợp tổ chức kiểm tra lưu động trên các tuyến đường.
“Cảnh sát khu vực sẽ tăng cường công tác nắm địa bàn, thường xuyên phát hiện những người ra đường không có lý do cấp thiết cũng như tăng cường công tác xử lý. Lực lượng công an phường cũng bố trí tuần tra, kiểm soát, không chỉ ngoài tuyến đường chính mà cả các ngõ sâu cũng thường xuyên đưa lực lượng vào tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm. Trong thời gian vừa qua, có một số nơi người dân cũng có biểu hiện không chấp hành nghiêm chỉ thị của Chính phủ cũng như của thành phố, nhưng sau khi được nhắc nhở, tuyên truyền, cơ bản người dân chấp hành nghiêm túc”, Thiếu tá Trần Trung Kiên thông tin.
Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Hà Nội vẫn phải là thực hiện giãn cách xã hội một cách thực chất. Việc nới lỏng tại Hà Nội không chỉ căn cứ vào số ca bệnh mà phải đánh giá nguy cơ bên trong, bên ngoài. Do đó, trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phương án sản xuất an toàn, cấp và sử dụng giấy đi đường... là việc làm thiết thực nhất để ủng hộ công tác phòng, chống dịch cùng thành phố./.