Hà Nội chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới
VOV.VN - Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới là cơ hội cũng là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.
Chiều 9/12, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Hà Nội, báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn làm rõ hơn các vấn đề đại biểu HĐND thành phố quan tâm, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, UBND thành phố tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho Nhân dân. Triển khai thực hiện linh hoạt, hiệu quả chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND thành phố.
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, ông Chu Ngọc Anh cho biết: Ở giai đoạn 3, Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, với nguyên tắc "5K + Vaccine, thuốc + Công nghệ thông tin + ý thức của người dân" để phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ liều vaccine. Tốc độ lây nhiễm tăng nhanh cùng các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước và hoạt động đi lại của người dân tăng cao những tháng cuối năm khiến số ca nhiễm trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng nhanh. “Đến ngày 8/12/2021, Thành phố đã ghi nhận thêm 10.948 ca mắc, tương đương 2,15% tổng số ca mắc trong giai đoạn này của cả nước, trung bình 192 ca/ngày. Số ca mắc tăng nhanh nhưng hiện nay Thành phố chỉ có 69/1.057 điểm phong tỏa với quy mô nhỏ nhất có thể, theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Ông Chu Ngọc Anh cho hay, Thành phố đã chỉ đạo mở rộng phương án quản lý, cách ly F1 tại nhà và tại các cơ sở cách ly tập trung của TP, cơ sở lưu trú phục vụ cách ly tự nguyện đối với các trường hợp F1 không đủ điều kiện cách ly tại nhà ngành. Chỉ đạo ngành Y tế, chính quyền các địa phương chuẩn bị các phương án cao trong cách ly, thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 với khả năng đáp ứng đến 100.000 ca nhiễm. Sẵn sàng chuẩn bị o xy y tế (25/32 Bệnh viện với khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống o xy y tế), thuốc và các vật tư tiêu hao đáp ứng các mức độ, cấp độ dịch trên các địa bàn.
Công tác thu dung, điều trị được chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo khả năng hồi phục sức khỏe đối với các trường hợp nhiễm, hạn chế tối đa việc chuyển tầng điều trị và các trường hợp nặng, nguy kịch. Hiện đang điều trị 4.567 người, trong đó tỷ lệ bệnh nhân thuộc tầng 3: 30 (0,7%); Bệnh nhân thuộc Tầng 2: 741 (16,9%); Bệnh nhân thuộc Tầng 1: 3.626 (82,5%).
Ngày 2/12/2021, UBND TP đã ban hành Phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tiếp tục phân cấp, phân luồng, tăng cường phân bổ nguồn lực, ngân sách giúp cấp cơ sở chủ động triển khai các biện pháp; tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở và tăng cường thành lập mới các trạm y tế lưu động, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiếp tục tổ chức tiêm trả mũi 2 và trẻ em dưới 18 tuổi theo tiến độ cấp vaccine của Bộ Y tế (đến nay đã bao phủ cho 92,2% trẻ em từ 15-17 tuổi; 41,4% trẻ em từ 12- 14 tuổi).
Chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới
Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, ông Chu Ngọc Anh cho biết, Thành phố xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể mới Omicron, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ (F0) trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm “4 tại chỗ”. Điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày. Quản lý cách ly các trường hợp F1, F0 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
Huy động tối đa nguồn lực từ các cơ sở y tế Trung ương, ngoài công lập cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dưới 18 tuổi. Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại.
Tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, bố trí trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị, ô xy để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng, chống dịch trong mọi tình huống.
Phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống.
Kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Thành phố.
Về việc chuẩn bị cách thức vận hành, quản trị xã hội trong tình hình mới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng đây là cơ hội cũng là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, cụ thể: Trước mắt tăng cường ứng dụng CNTT, cải cách hành chính thực chất theo xu hướng này.
Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong các ngành, lĩnh vực. Chủ động các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch. Ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tạo cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đối với những vấn đề dân sinh bức xúc trong quá trình phát triển đô thị sẽ được UBND TP khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo cùng với việc tổ chức Kế hoạch thanh tra, kỷ luật, kỷ cương gắn cá thể hóa trách nhiệm. Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô.
"Năm 2022, UBND thành phố tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm, với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp; bảo đảm tập trung, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả; các quyết định, chính sách của lãnh đạo UBND TP luôn được công khai, minh bạch", ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh./.