Hà Nội mưa ngập: Bài học đắt giá từ việc buông lỏng quản lý cao độ nền xây dựng
VOV.VN - Việc xác định và tuân thủ theo đúng cốt nền xây dựng khống chế sẽ đảm bảo việc thoát nước tự nhiên cho khu vực, hạn chế úng ngập, tận dụng diện tích đất vùng trũng và đảm bảo bảo an toàn cho các công trình xây dựng.
Bởi vậy, cần nhìn nhận hệ lụy của việc buông lỏng kiểm soát cao độ nền xây dựng hiện nay để có sự điều chỉnh tìm ra những giải pháp tốt hơn đối với công tác quản lý cốt nền.
Từ cách đây hàng chục năm, vấn đề thiếu đồng nhất cốt nền xây dựng đã được nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo.
Còn nhớ, năm 2016, dự án nâng đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP.HCM lên trung bình 0,7m để chống ngập đã khiến gần 500 nhà dân, cơ quan ở khu vực này đã trở thành “hầm chứa nước” vì thấp hơn mặt đường mới từ 1,8 - 2m.
Hay dự án cải tạo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài ở Hà Nội đã khiến hàng chục hộ dân có nhà cao hơn mặt đường cả mét vào năm 2016.
Dù rằng, sau khi người dân lên tiếng, chính quyền các địa phương, các chủ đầu tư dự án đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên, tình trạng “loạn” cốt nền xây dựng lại trở nên nóng khi hàng chục hầm để xe ở nhiều tòa nhà bỗng chốc biến thành bể ngầm chứa nước tạm thời.
Xây dựng không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm, thiếu minh bạch thông tin cốt nền xây dựng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành trong những năm qua là một trong những nguyên nhân đã khiến thành phố “mấp mô”, phố biến thành sông mỗi khi mưa lớn, gây thiệt hại đến tài sản của người dân, thiệt hại về kinh tế và đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị trước biến đổi khí hậu.
Vậy, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng “loạn” cốt nền xây dựng?
Trước hết, nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn, cụ thể và chính xác hơn cốt nền xây dựng trong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết.
Xác định cao độ nền là một trong những thông tin đầu vào không thể thiếu nhằm phục vụ cho cấp phép xây dựng, thiết kế kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng công trình và trong công tác tổ chức hệ thống thoát nước mặt.
Bởi vậy, việc xác định chỉ số cao độ nền xây dựng cần được tính toán cẩn trọng dựa trên các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy văn; các số liệu thống kê tình hình ngập úng lũ lụt qua các năm…
Minh bạch hóa thông tin về quy hoạch chi tiết, thông báo với người dân, các chủ đầu tư các dự án, công trình xây dựng thông tin về cốt nền xây dựng khi thực hiện cấp phép xây dựng.
Theo Luật Quy hoạch đô thị, UBND thành phố, thị xã công bố công khai đồ án quy hoạch chung, UBND quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương công bố đồ án quy hoạch phân khu
Khi thẩm định, phê duyệt các dự án cải tạo, nâng cấp đường đô thị phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và tuân thủ đúng cao độ nền xây dựng, có tính tới những yếu tố liên quan đến độ dốc, khả năng thoát nước mặt của khu vực đó.
Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng “loạn cốt nền xây dựng” như thời gian qua, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý quy hoạch, chính quyền địa phương trong việc tổ chức kiểm tra, rà soát quá trình khai thực hiện dự án xây dựng hạ tầng đô thị.
Đối với các công trình, dự án cố tình vi phạm cốt nền xây dựng gây hậu quả ngập úng, cần có quy định về việc ràng buộc trách nhiệm, bồi thường cho các hậu quả gây ra.
Cùng với đó, bố trí nguồn lực hợp lý để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị.
Trong điều kiện tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương xem xét áp dụng các giải pháp mềm, linh hoạt trong quy hoạch, quản lý cao độ nền đô thị đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ địa hình tự nhiên, các trục tiêu thoát nước chính và hành lang bảo vệ.
Chỉ khi không còn giải pháp nào khác mới tính đến việc điều chỉnh cao độ nền hiện trạng.
Bài học về sự tùy tiện điều chỉnh cao độ nền xây dựng của nhiều công trình thời gian qua đã khiến Hà Nội phải trả một cái giá quá đắt vẫn còn nguyên giá trị./.