Hà Nội vượt mốc 20.000 ca mắc Covid-19, số F0 có dấu hiệu tiếp tục tăng

VOV.VN - Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 20.146 ca bệnh, trong đó có 7612 ca cộng đồng và 12.534 ca đã được cách ly. Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 16.067 ca mắc Covid-19.

          Theo chuyên gia y tế, TP. Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng quá cao, tránh gây quá tải hệ thống y tế khiến người bệnh không được điều trị kịp thời.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 15/12, trên địa bàn thành phố có 1.357 ca mắc COVID-19, trong đó có 611 ca cộng đồng. Đây cũng là số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng cao nhất được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng khi thành phố thực hiện nới lỏng các hoạt động, việc người dân đi lại nhiều, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa người nhiễm SARS-CoV-2 với người lành là điều không thể tránh khỏi.

“Hiện nay đa phần số ca F0 đều không có triệu chứng, do đó tại những nơi đông người, nơi công sở nếu không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, khi đó sẽ tạo ra nhiều F0, xuất hiện nhiều ổ dịch mới”- ông Phu nói.

Vì vậy theo PGS Trần Đắc Phu, việc số ca mắc tăng cao trên địa bàn thành phố trong thời điểm này là điều đương nhiên và có thể trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng.

PGS Trần Đắc Phu cho rằng, vấn đề hiện nay TP. Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng cao thêm nữa. Chuyên gia phân tích, nếu số F0 tăng cao quá sẽ khiến hệ thống y tế quá tải. Khi đó người bệnh sẽ không được tiếp cận với hệ thống y tế và được điều trị kịp thời, đặc biệt là các trường hợp mắc COVID-19 chuyển bệnh nặng, nguy cơ tỷ lệ ca mắc tử vong tăng cao. “Trong lúc này, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để hạn chế việc tăng F0 một cách thấp nhất”- PGS Trần Đắc Phu nêu rõ.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, để kiểm soát tốt dịch bệnh đòi hỏi cần sự vào cuộc có trách nhiệm của người dân và chính quyền, riêng ngành y tế sẽ không thể thực hiện thành công và kiểm soát được.

Vì vậy, đối với người dân, cần thực hiện tốt 5K, có ý thức thực hiện các hành vi an toàn./.