Hơn 40ha thông ở Điện Biên bị gãy đổ, kiệt quệ cần sớm có phương án khắc phục

VOV.VN - Hơn 40ha rừng thông tại tỉnh Điện Biên giao cho người dân quản lý hiện nhiều diện tích bị gãy đổ do thiên tai và mặc dù đã đủ điều kiện khai thác để trồng mới nhưng lại gặp khó trong khai thác.

Hơn 40ha rừng thông tại bản Bua 1 và Bua 2, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên giao cho người dân quản lý hiện được đánh giá là không còn khả năng cho mủ. Nhiều diện tích cây thông bị gãy đổ do thiên tai và mặc dù đã đủ điều kiện khai thác để trồng mới lại theo thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng UBND huyện Mường Ảng vẫn chưa thống nhất rõ chủ trương, phương án cho phép khai thác khiến chính quyền xã loay hoay, còn người dân mong mỏi từng ngày được tận thu lâm sản, có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

Vừa qua cơ quan thường trú khu vực Tây Bắc, Đài TNVN nhận được đơn kiến nghị của người dân 2 bản: Bua 1 và  Bua 2 thuộc xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đề nghị làm rõ việc: “Vì sao UBND huyện Mường Ảng chưa thống nhất chủ trương cho khai thác, tận thu hơn 40 ha rừng thông không còn khả năng cho thu mủ, bị gãy đổ do thiên tai để trồng mới lại cây trồng khác có giá trị hơn”.

Ông Lường Văn Nghiên, Trưởng bản Bua 1, đại diện đứng đơn kiến nghị cho người dân 2 bản cho biết: Nguồn gốc của diện tích rừng trên vốn là rừng sản xuất trồng năm 2005 do lâm trường Tuần Giáo triển khai theo chương trình dự án 661 về trồng mới 5 triệu ha rừng. Đến năm 2012, lâm trường Tuần Giáo đã giao số diện tích rừng trên về UBND huyện Mường Ảng (được chia tách ra từ huyện Tuần Giáo) quản lý. UBND huyện Mường Ẳng đã giao đất giao rừng cho người dân theo kế hoạch 388 của tỉnh Điện Biên. Diện tích rừng thông thuộc Lô đ, khoảnh 7, tiểu khu 643, tờ bản đồ giao đất, giao rừng diện tích hơn 47 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 28/12/2015.

Năm 2018, UBND huyện cho chủ trương khai thác mủ rừng thông, nhưng chỉ sau 1 năm, do phương pháp khai thác tận thu, không bài bản đã khiến rừng bị kiệt quệ, cây thông không còn khả năng cho mủ nên người dân không đồng tình cho khai thác tiếp.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Bí thư Chi bộ bản Bua 1 cho biết, sau khi dừng khai thác mủ, đến nay, nhiều diện tích cây trong rừng vào mùa mưa bị gió, lốc quật gãy đổ, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên bà con đã họp bản, nhất trí nguyện vọng của 125/127 hộ xin khai thác gỗ thông để đảm bảo cuộc sống, thống nhất ủy quyền cho 2 trưởng bản thực hiện giúp dân về thủ tục hành chính.

Cuối tháng 5/2021, khi có một hợp tác xã tại Sơn La đồng ý ký hợp đồng cam kết thu mua thông cho người dân, với giá 150.000 đồng/cây, đường kính 20cm trở lên, cam kết hỗ trợ cây giống cho người dân trồng lại rừng, người dân bản Bua 1, Bua 2 đã nhất trí chuyển nhượng toàn bộ gỗ thông cho hợp tác xã này khi đưa ra giá thu mua hợp lý và làm đơn đề nghị lên chính quyền xã xin khai thác. UBND xã Ẳng Tở cũng đã xem xét, kiểm tra hồ sơ và bản đồ rừng, làm tờ trình gửi UBND huyện về việc xin khai thác rừng thông theo điều 15 của thông tư 27.

Tại điều 15, thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định về khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân đã ghi rõ: Đối tượng khai thác gỗ rừng trồng, gỗ vườn và cây trồng phân tán thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, bao gồm cả gỗ được trồng theo các chính sách, dự án hỗ trợ của Nhà nước; thực vật rừng ngoài gỗ và dẫn xuất của thực vật rừng thì trình tự thực hiện chủ rừng tự quyết định việc khai thác. Sau khai thác, chủ lâm sản lập bảng kê lâm sản.

Ngày 9/6/2021, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Ảng ban hành công văn số 172 trả lời khẳng định: Căn cứ điều 15, Chương II, thông tư 27 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì đối với việc đề nghị của UBND xã Ẳng Tở xin khai thác rừng trồng tại địa điểm trên là hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay UBND huyện chưa có chủ trương cho phép khai thác gỗ thông tại địa điểm trên.

Ông Lường Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở cho biết: “Khu rừng thông này hiện đã kiệt quệ không còn khả năng cho mủ, nhiều diện tích cây đã bị gãy đổ. Từ thực tế đó và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của nhân dân xã rất đồng tình việc mong muốn của người dân cho khai thác diện tích rừng này để trồng mới lại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, sau khi gửi tờ trình và nhận được văn bản trả lời của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết hiện chưa có chủ trương cho phép khai thác nên xã cũng loay hoay không biết xử lý ra sao”.

Ngược lại, tại buổi làm việc với phóng viên VOV về nội dung này, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết, hơn 40ha thông tại 2 bản Bua 1, Bua 2 nguồn gốc là rừng trồng triển khai theo Chương trình dự án 661, ngân sách nhà nước 100%. Sau khi được bàn giao lại huyện đã giao cho cộng đồng dân cư ở đây quản lý, chăm sóc, hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

“Huyện đã nắm được nguyện vọng của bà con kiến nghị mong muốn khai thác từ đó đã giao cho các phòng ban chuyên môn và Hạt Kiểm lâm huyện xác định chủ sở hữu của rừng này. Tuy nhiên, do đây là khu rừng sử dụng ngân sách nhà nước 100%, nên theo điều 7 và 12 của Thông tư 27 thì bà con nhân dân hoàn toàn được phép khai thác, nhưng phải đầy đủ các thủ tục. Đồng thời, phải có phương án khai thác, có cơ quan quyết định vốn đầu tư đó phê duyệt. Hiện nay xã chưa có phương án khai thác nào theo phụ lục số 08 thông tư 27. UBND xã Ẳng Tở phải làm ngay thủ tục khai thác và có cam kết trồng lại rừng. Về chủ trương khai thác huyện đã có văn bản số 929 ngày 10/6/2021 gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên để xin ý kiến của UBND tỉnh. Nếu như nói huyện chưa có chủ trương là chưa chính xác”, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho hay.

Như vậy, việc cấp trên nói một đằng, cấp dưới trả lời một nẻo không thống nhất khiến xã Ẳng Tở loay hoay không biết xử lý ra sao, còn người dân hoang mang không rõ chủ trương cuối cùng là gì?!

Hiện nay nhiều diện tích rừng thông của bản Bua 1 và Bua 2, xã Ẳng Tở vẫn đang tiếp tục gãy đổ, gây nguy hiểm khi vào mùa mưa lũ. Do đó, với những nguyện vọng, quyền lợi chính đang của nhân dân, chính quyền địa phương cần sớm thống nhất chủ trương, lên phương án khai thác trồng mới lại rừng, để người dân yên tâm phát triển kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điện Biên họp báo cung cấp thông tin vụ phá rừng tái sinh ở Nậm Pồ
Điện Biên họp báo cung cấp thông tin vụ phá rừng tái sinh ở Nậm Pồ

VOV.VN - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ tăng cường công tác nắm địa bàn từ cấp xã, nhất là trong thời điểm mùa phát nương làm rẫy cần bám nắm cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý tình trạng phá rừng.

Điện Biên họp báo cung cấp thông tin vụ phá rừng tái sinh ở Nậm Pồ

Điện Biên họp báo cung cấp thông tin vụ phá rừng tái sinh ở Nậm Pồ

VOV.VN - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ tăng cường công tác nắm địa bàn từ cấp xã, nhất là trong thời điểm mùa phát nương làm rẫy cần bám nắm cơ sở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý tình trạng phá rừng.

Họp báo thông tin về xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng, Điện Biên
Họp báo thông tin về xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng, Điện Biên

VOV.VN - Sáng 24/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo thông tin về tình trạng xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng.

Họp báo thông tin về xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng, Điện Biên

Họp báo thông tin về xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng, Điện Biên

VOV.VN - Sáng 24/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo thông tin về tình trạng xâm hại rừng đặc dụng Mường Phăng.