Không khí chuẩn bị Tết tại Trường Sa
VOV.VN - Dù luôn phải trong tư thế sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, không lơ là nhiệm vụ, song công tác chuẩn bị Tết của quân dân tại Trường Sa cũng tất bật không kém.
Những ngày này, không khí đón Tết cổ truyền đang tràn ngập mọi nơi, đâu đâu cũng thấy sắc xuân. Ở quần đảo Trường Sa cũng vậy. Dù luôn phải trong tư thế sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, không lơ là nhiệm vụ, song công tác chuẩn bị Tết của quân dân tại Trường Sa cũng tất bật không kém.
Tàu ra, Trường Sa vào Tết – Đó là câu nói nửa đùa, nửa thật của những người lính đảo tại Trường Sa. Tết Trường Sa có lẽ bắt đầu từ những chuyến tàu chở xuân như vậy thật…
Gói gém những món quà chứa đựng bao tâm tình từ đất liền; những chiếc lá dong được cắt từ sớm, bảo quản nâng niu; những chú heo béo tốt, chú gà trống khỏe mạnh được tuyển chọn kỹ càng; những cây quất trĩu quả, cành mai nhiều nụ xuân được đưa lên chậu sớm hơn thường lệ…
Tất cả được các cơ quan, đoàn thể trên khắp cả nước đưa lên các chuyến tàu “chở xuân” đến với Trường Sa dịp cuối năm…Trung tá Trịnh Xuân Huân – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, trưởng đoàn công tác mang hàng Tết đến với các đảo phía bắc Trường Sa tâm trạng xốn xang.
“Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có nhiều khó khăn chung, nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để đảm bảo cho anh em cán bộ, chiến sĩ và bà con trên quần đảo Trường Sa đón cái Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, đầy đủ hương vị Tết cổ truyền với những mặt hàng thiết yếu. Các đơn vị tài trợ chúng tôi rất nhiều. Đồng bào, chiến sĩ cả nước mặc dù khó khăn chung nhưng đã gửi rất nhiều phần quà tới chúng tôi”, Trung tá Trịnh Xuân Huân nói.
Vượt hàng trăm hải lý, rẽ qua bao con sóng lớn mùa biển động, những mặt hàng Tết đến được với Trường Sa là biết bao sự trân quý. “Khi hàng tết ra với đảo, anh em rất vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi rất cảm động khi đoàn công tác đã vượt sóng, vượt gió, vượt bao trở ngại của thời tiết, vượt qua bao hải lý để ra thăm người lính canh giữ đảo. Rất cảm ơn tình cảm từ đất liền. Bản thân chúng tôi cảm thấy ấm lòng, cảm thấy được gần gia đình hơn, gần với quê hương hơn, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà trong thời gian nhận nhiệm vụ tại đảo”.
Đón nhận tình cảm của cả nước dành cho Trường Sa dịp Tết; các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo nâng niu, giữ gìn những mặt hàng Tết cẩn thận lắm. Những chiếc lá dong được tạm cất vào tủ đông để có thể giữ lấy màu xanh tươi; những chú heo, gà trống được đưa vào chuồng nuôi thêm ít ngày nữa. Những chậu quất, cây mai được vun thêm đất, tưới nước ngọt và được tìm đặt ở những chỗ quan trọng nhất trên các đảo, để sao cho nhiều người nhìn thấy nhất, để nhiều người cảm thụ được một phần hồn Tết Việt.
Ngày ông Công, ông Táo, cán bộ chiến sĩ trên đảo tỉ mẩn hơn trong các hoạt động dọn vệ sinh trên toàn đảo, đặc biệt tại những ngôi chùa, tượng đài các vị tướng tại nơi đảo xa. Không khí Tết trở nên rộn ràng hơn khi cả đảo bắt đầu gói bánh chưng. Gạo nếp được các chiến sĩ dậy sớm, ngâm từ sáng, những lá dong được bộ đội và người dân cùng rửa cẩn thận, lá bàng vuông được hái xuống; một nhóm cán bộ chiến sĩ khác vào chuồng bắt heo, mổ lấy thịt. Những đứa trẻ trên đảo cũng xúm lại, đông vui.
“Được gói bánh chưng với các chú bộ đội trên đảo, tôi cảm thấy rất phấn khởi, vui; cảm thấy không khí tết ấm áp và đầy đủ. Trong quá trình gói bánh chưng, các chú bộ đội hướng dẫn các cháu nhỏ cách gói bánh và Tết cổ truyền để các cháu hiểu hơn về tết cổ truyền và cách gói bánh ngày xưa do cha ông truyền lại”, chị Nguyễn Thị Lan, một người dân ở đảo Song Tử Tây tâm sự.
Bánh chưng Trường Sa đầy đủ hương vị của đất liền. Tuy nhiên, bộ đội, người dân, mỗi vùng miền một cách gói, khiến nồi bánh chưng cũng rất đặc biệt. Nhất là những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông mang một nét riêng, đậm vị mặn mòi của biển cả, nắng gió nơi đảo xa.
Không chỉ có bánh chưng, Tết ở đảo Trường Sa còn có mâm ngũ quả đặc trưng với đu đủ, dừa, chuối, dứa biển và quả tra được trồng trên các đảo. Nhiều hoạt động vui xuân đang được lên kế hoạch chi tiết cho những ngày Tết như tập văn nghệ cho đêm giao thừa của quân dân, các kế hoạch tổ chức chào cờ, đi lễ chùa, thăm nhau.
Ngoài ra, những trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, lắc thúng bắt vịt, cờ tướng, bóng chuyền, nhảy bao bố, đá bóng,... cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng để tổ chức trong những ngày Tết./.
Viết bình luận