Không loại trừ khả năng có mầm bệnh COVID-19 trong cộng đồng
VOV.VN - Dữ liệu phân tích tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam xác thực cảnh báo của các chuyên gia về khả năng mầm bệnh đã có trong cộng đồng.
Chiều 26/2, tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, các chuyên gia đã công bố số liệu phân tích, nhìn lại tình hình dịch bệnh trong nước, theo đó, không loại trừ khả năng có mầm bệnh trong cộng đồng.
Theo số liệu phân tích do ông Nguyễn Thế Trung, Tổ phó Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19 công bố tại cuộc họp, một tháng kể từ ngày phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương), tình hình dịch trên cả nước đã cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là hai ổ dịch đầu tiên phát hiện trong đợt dịch thứ 3 lần này. Trong đó, Chí Linh cơ bản được kiểm soát sau 8 ngày và Vân Đồn được kiểm soát chỉ sau 6 ngày kể từ ngày phát hiện ca đầu tiên.
Dữ liệu đánh giá lại tình hình dịch bệnh cho thấy, cùng vào trung tuần tháng 1/2021 - cùng với thời điểm phát hiện ổ dịch ở Chí Linh và Vân Đồn, trên thực tế đã có những ổ dịch khác như tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ban đầu nguồn lây bệnh cho sân bay Tân Sơn Nhất nghi từ Chí Linh và Vân Đồn. Tuy nhiên, dữ liệu sau này cho thấy, đây hoàn toàn là ổ dịch mới và xuất hiện từ giữa tháng 1/2021. Một ổ dịch khác theo dữ liệu xác nhận là ở Cẩm Giàng (Hải Dương) và trường hợp chuyên gia người Nhật Bản tử vong có mang mầm virus biến chủng riêng. Mới nhất, là ca mắc COVID-19 mang chủng Nam Phi ở Hải Dương.
Điều này xác thực cảnh báo đã được các chuyên gia nhiều lần đề cập là Việt Nam là nước đông dân số, biên giới rộng và kinh tế mở… do vậy không thể loại trừ khả năng trong cộng đồng đã có mầm bệnh. Do vậy, các lực lượng phòng, chống dịch luôn đặt trong tâm thế cảnh giác trước mọi tình huống. Ban Chỉ đạo đánh giá cao, năng lực phản ứng, chống dịch của Bộ Y tế cùng các ngành, các cấp đã được nâng lên rõ rệt sau hơn một năm chống dịch. Trường hợp ổ dịch tại Chí Linh và sau đó là Cẩm Giàng cho thấy, chủng virus lây nhanh hơn chủng cũ rất nhiều. Hơn nữa virus lại xuất hiện tại khu công nghiệp tập trung đông đảo công nhân với điều kiện làm việc ở gần nhau trong môi trường kín…
“Ban đầu các địa phương chưa chủ động được về xét nghiệm và năng lực dập dịch do thiếu cơ sở vật chất y tế, nhưng các địa phương đã rất nhanh có biện pháp khắc phục chỉ trong 1-2 ngày sau đó. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành y tế và chính quyền các cấp trong thời gian vừa qua. Qua mỗi đợt dịch, chúng ta phải đúc rút lại các bài học kinh nghiệm để lần sau chống dịch tốt hơn. Như tại Đà Nẵng, chúng ta đã chống dịch rất tốt trong các bệnh viện. Theo đó, vừa qua ca bệnh xuất hiện trong cơ sở y tế tại Hải Phòng đã được xử lý triệt để”- các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định.
Ban Chỉ đạo khẳng định, nỗ lực chống dịch trong các khu công nghiệp tại Hải Dương cũng sẽ là kinh nghiệm lớn để đúc rút lại và bổ sung tất cả các hướng dẫn, trong đó, có câu chuyện phải cách ly hàng nghìn người nếu xảy ra tình huống có dịch bệnh trong khu công nghiệp.
Ban Chỉ đạo đồng tình với nhận định của các chuyên gia, theo đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, do vậy cách chống dịch phải theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Và thực tế vừa qua đã chứng minh Việt Nam làm rất tốt chiến lược chống dịch 5 bước gồm “ngăn chặn-phát hiện-cách ly-khoanh vùng-dập dịch”.
Trong bối cảnh dịch bệnh mới, với chủng virus lây lan rất nhanh hay khi xuất hiện yếu tố dẫn đến những rủi ro cao khiến dịch không thể kiểm soát được, các biện pháp “phong toả trong phong toả” áp dụng tại Hải Dương vừa qua đã phát huy hiệu quả tốt. Cụ thể, ở vòng trong sẽ được phong toả nhỏ, chặt theo truy vết. Còn vòng ngoài sẽ được phong toả tạm thời ở quy mô rộng hơn, để khi loại bỏ được nguy cơ rủi ro có thể bỏ được phong toả vòng ngoài. Đây chính là chiến lược vừa chống dịch vừa giảm thiểu được thiệt hại kinh tế và những xáo trộn trong đời sống của nhân dân.
Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch COVID-19 và được bạn bè quốc tế đánh giá cao, thậm chí coi Việt Nam là hình mẫu chống dịch. Không ít bạn bè quốc tế nhạc nhiên, thán phục trước kết quả chống dịch 2 đợt đầu của Việt Nam. Với đợt dịch thứ 3 này, các chuyên gia đánh giá khó khăn hơn với những biến chủng virus mới. Tuy nhiên, trong một tuần trở lại đây, bạn bè quốc tế tiếp tục ghi nhận nỗ lực chống dịch của Việt Nam, đánh giá Việt Nam một lần nữa đã cơ bản giành “chiến thắng”.
Dù vậy, theo Ban Chỉ đạo, chiến thắng này mới ở từng ổ dịch chưa phải toàn bộ cuộc chiến chống dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo kêu gọi người dân cảnh giác, phòng dịch với các biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…/.