Kon Tum khẩn trương triển khai phương án ứng phó bão số 6
VOV.VN - Đến chiều nay (23/9), ảnh hưởng của bão số 6 khiến nhiều khu vực của tỉnh Kon Tum có mưa vừa đến mưa to, dự báo trong 24 giờ tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Khu vực các huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông lượng mưa có khả năng đạt từ 100 đến 200mm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là rất cao.
Trước tình hình trên Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ra công điện khẩn trương triển khai phương án ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu Chủ tịch UBND 10 huyện, thành phố của tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6 và mưa lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn biết để ứng phó với thiên tai; đồng thời rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, dông lốc có thể xảy ra, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Chính quyền các huyện, thành phố rà soát, bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ” đặc biệt là trường hợp xảy ra lũ quét, sạt lở đất và mưa, bão lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng. Chỉ đạo vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du cũng như khai thác hiệu quả tài nguyên nước.
Đối với các khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, lụt, sạt lở đất…thông báo, cảnh báo kịp thời cho người dân biết để chủ động ứng phó. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ cao để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân với tinh thần “đi trước một bước”, không để khi xảy ra thiên tai mới di dời; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng xảy ra thiên tai.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chính quyền các địa phương và các sở, ngành chức năng lên phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học; các cơ sở giáo dục cho học sinh nghỉ học khi cần thiết và chỉ cho học sinh trở lại lớp học khi bảo đảm an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, không để người và phương tiện di chuyển qua các cầu treo dân sinh, ngầm, tràn, các tuyến đường sông, đường bộ dễ xảy ra sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết… khi có mưa lũ./.