An toàn trước thiên tai: Bài học thực tế ở Tây Bắc

Ký ức thương đau từ lũ dữ

VOV.VN - Tây Bắc vốn là lõi nghèo của cả nước, đã vậy mùa mưa năm nào cũng xảy ra các đợt lũ quét, sạt lở đất.

LTS: Tây Bắc vốn là lõi nghèo của cả nước, đã vậy mùa mưa năm nào cũng xảy ra các đợt lũ quét, sạt lở đất. Có những trận lũ được ví như “Đại hồng thủy”, chỉ trong tích tắc đã cuốn phăng hàng trăm nóc nhà nơi nó đi qua; hay những vụ sạt lở đất vùi lấp cả một bản vùng cao đang thanh bình tươi đẹp, kéo theo đó là hàng chục người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỷ đồng, khiến vùng đất này đã khó, lại càng thêm khó.

Giới chuyên gia đánh giá, nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và chất lượng môi trường sinh thái bị suy giảm.

Bên cạnh đó, với đặc thù địa hình hiểm trở, kinh tế khó khăn của Tây Bắc, việc xây dựng hạ tầng kè, hồ, đập phòng vệ; nâng cấp hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo sớm thiên tai; sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cấp còn nhiều bất cập.

Vẫn biết thiên tai thường xảy đến bất ngờ, song thực tế cho thấy, nếu người dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng tránh, chủ động và sáng tạo trong ứng phó thì các thiệt hại sẽ giảm. Đây cũng chính là thông điệp mà nhóm tác giả Cơ quan Thường trú Khu vực Tây Bắc muốn đề cập trong 3 kỳ của loạt bài “An toàn trước thiên tai: Bài học thực tế ở Tây Bắc”.

Thôn Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, những hình ảnh tang thương về trận mưa lũ đêm mồng 8, rạng sáng 9/8/2008 làm hơn 20 người chết vẫn in hằn trong kí ức chàng thanh niên Chảo Ông Pết, nay đã là Trưởng thôn. Hôm ấy, mưa đã xối xả từ chiều. Đến khoảng 2 giờ sáng, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì ai nấy đều giật mình bởi những tiếng động lớn, mỗi lúc một gần.

 “Khi tôi quáng quàng chạy ra cửa nhà nhìn thì thấy thấy cả thôn đang bị dòng suối Tùng Chỉn tẽ đôi dòng chảy ôm lấy. Nước cả 2 nhánh đều to nhanh lắm, chỉ mấy phút là bản thành ốc đảo, ai chạy thật nhanh lên đồi sau làng thì thoát. Tôi chạy được 1 tí nhìn lại cả bản mấy chục nóc nhà đã không thấy đâu, trôi đi hết. Đến khoảng 5 giờ sáng khi nước rút, mọi người mới ào xuống bới đá, đào đất để tìm người thân”, trưởng thôn Chảo Ông Pết nghẹn ngào.  

Anh Giàng A Su ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, 4 năm sau lũ, được Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ tiền bạc, vật chất, cuộc sống dần ổn định, nhưng vẫn không thể quên nỗi kinh hoàng khi lũ quét ập đến rạng sáng ngày 3/8/2017.

Nửa đêm hôm ấy, tiếng gì đó như tiếng nổ mìn, mặt đất như rung chuyển. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ngay sau đó, anh nghe thấy tiếng sét lẫn với tiếng la hét inh ỏi của các hộ dân xung quanh... Chạy bổ ra ngó qua khe cửa, anh thấy con suối cạnh nhà nước đã dâng đến tận chuồng lợn. Hai vợ chồng hốt hoảng vội ôm con lao ra khỏi nhà, chạy ngược lên núi. Chạy được một đoạn, quay nhìn lại đã thấy ngôi nhà, cùng toàn bộ tài sản biến vào dòng nước cuồn cuộn; 2 con trâu của gia đình buộc ở lán phía dưới cũng bị đất đá sạt lở vùi lấp.

“Sợ lắm, lúc đấy gió rất là to, nước cũng chảy rất là to, đất như rung chuyển, kèm tiếng sấm sét cứ ùng oàng ùng oàng, nhà cửa đồ dùng trong gia đình trôi đi hết, chẳng còn gì cả, trâu bò cũng trôi sạt đi hết”, anh Giàng A Su kể.

Cùng đêm mùng 2, rạng sáng ngày 3/8/2017, tại xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, “mẹ thiên nhiên” cũng bất ngờ nổi giận. Sau nhiều giờ mưa lớn sầm sập, rạng sáng hôm đó, trong tích tắc, đất trời bỗng như rung chuyển, cơn lũ kinh hoàng ầm ầm vụt tới, cuốn phăng tất thảy mọi thứ trên đường nó đi qua…

Sau lũ quét, cả một vùng từ thị trấn Ít Ong kéo dài gần 10km về phía thượng lưu con suối Nậm Păm bỗng trở thành “dòng sông đá tảng” nhức mắt, có chỗ lòng suối ngoác rộng bằng cả mấy sân vận động. Con đường nhựa phẳng lì uốn lượn chạy dọc ven suối cũng không còn nhận ra bởi đã bị hàng trăm nghìn khối đá từ trên núi theo dòng lũ quét lao xuống băm vằm, xé toạc, phủ kín. 10 người chết và mất tích, gần 300 hộ (chiếm gần một nửa số hộ trong xã) bị ảnh hưởng, trong đó có gần 140 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; ước tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 700 tỷ đồng. Đây là những thiệt hại được các nhà chức trách đưa ra sau đó.

- Đó mới chỉ là 3 trong số các trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng xảy ra trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc những năm gần đây.

- Thống kê sơ bộ, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai đã xảy ra hàng trăm trận lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm hơn 600 người chết, mất tích và bị thương; 

- Hàng trăm, hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” do nhà ở bị sập đổ, cuốn trôi.

- Cùng với đó là nhiều công trình trường học, trạm y tế, hệ thống điện và các công trình hạ tầng giao thông bị sạt đổ, đứt gãy… ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 12.500 tỷ đồng.

Không thể sống chung với lũ quét, sạt lở đất. Đây là điều mà bất cứ một người dân, hay chính quyền địa phương nào ở Tây Bắc cũng mong muốn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc ngăn lũ quét, sạt lở đất dường như là không thể. Vì thế, cần phải biết chủ động ứng phó và chung sống an toàn trước thiên tai. Thực tế cho thấy, ở nơi nào người dân chủ động, sáng tạo trong ứng phó với mưa lũ thì thiệt hại được giảm đi rất nhiều

Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập đến trong bài viết thứ 2 với nhan đề “Sáng tạo trong ứng phó với thiên tai – Tây Bắc giảm thiểu thiệt hại”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tây Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó nước sông Hồng dâng cao
Tây Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó nước sông Hồng dâng cao

VOV.VN - Thống kê của tỉnh Lào Cai, mưa lũ, sạt lở đất trong 3 ngày qua đã làm 2 người chết, 1 người mất tích và 3 người bị thương.

Tây Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó nước sông Hồng dâng cao

Tây Bắc khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó nước sông Hồng dâng cao

VOV.VN - Thống kê của tỉnh Lào Cai, mưa lũ, sạt lở đất trong 3 ngày qua đã làm 2 người chết, 1 người mất tích và 3 người bị thương.

Các tỉnh Tây Bắc rà soát di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lũ
Các tỉnh Tây Bắc rà soát di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lũ

VOV.VN - Mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm hàng trăm ngôi nhà tại khu vực Tây Bắc bị ảnh hưởng hoặc phải di dời khẩn cấp.

Các tỉnh Tây Bắc rà soát di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lũ

Các tỉnh Tây Bắc rà soát di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lũ

VOV.VN - Mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm hàng trăm ngôi nhà tại khu vực Tây Bắc bị ảnh hưởng hoặc phải di dời khẩn cấp.

Mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Bắc
Mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Bắc

VOV.VN - Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền núi Tây Bắc. 3 ngày qua Sơn La và Lai Châu đã có 2 người chết do lũ cuốn và sạt lở đất đá

Mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Bắc

Mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Bắc

VOV.VN - Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền núi Tây Bắc. 3 ngày qua Sơn La và Lai Châu đã có 2 người chết do lũ cuốn và sạt lở đất đá