Lấy con người làm trung tâm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
VOV.VN - Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và phải đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam đang dần tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân, góp phần xây dựng một xã hội tiến bộ, hài hòa, gắn kết thể hiện ở một số khía cạnh như: Quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những đối tượng yếu thế được đảm bảo tốt hơn; tệ nạn xã hội, HIV/AIDS và các dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2022 –Xu hướng và khoảng trống” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức sáng 20/4, tại Hà Nội.
Ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã ban hành Nghị quyết 15 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, nhằm tập trung cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, chăm lo đời sống cho người nghèo và các đối tượng yếu. Mục tiêu cụ thể là nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông… để từng bước nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các chính sách an sinh xã hội đang dần được tiếp cận theo hướng dựa trên quyền được an sinh của người dân. Quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những đối tượng yếu thế được đảm bảo tốt hơn. Bốn trụ cột gồm: Nhóm chính sách việc làm và giảm nghèo; nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; nhóm chính sách trợ giúp xã hội; nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng mở rộng về diện và đối tượng.
Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn trường hợp người có công với cách mạng và hiện cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2% đến 2,2%. Số người tham gia BHXH tăng từ 10,2 triệu người năm 2011 lên gần 16,6 triệu người vào năm 2021.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 được thực hiện hiệu quả. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2010. Việt Nam đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, cùng những kết quả đạt được, công tác an sinh xã hội của Việt Nam còn những hạn chế, bất cập.
“Một số chính sách an sinh xã hội chưa bao phủ hết các nhóm đố tượng, thiếu tính bền vững, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương và có sợ chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa tinh thần giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng còn rất lớn. Mức trợ cấp xã hội và mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn thấp. Chất lượng về an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, hệ thống quản lý nhà nước còn bất cập, trình độ quản lý còn chưa cao. Vẫn còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách”, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu thực tế.
Ngoài những bất cập mà Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi vừa nêu, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm trên 10% tổng dân số từ năm 2011. Việt Nam cũng là 1 trong 5 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và phải đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”. Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thu hẹp diện tích đất ở, đất sản xuất….tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân, tạo áp lực đến hệ thống an sinh xã hội trong việc đảm bảo quyền con người tiếp cận các cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Trước bối cảnh này, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian tới tại Việt Nam tập trung vào việc lấy con người là trung tâm, đảm bảo để chính sách xã hội được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Trong đó, thể chế hóa sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách xã hội, đồng thời phát huy các thiết chế phi Nhà nước, tự chủ, tự quản trong xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững….Tăng cường công tác rà soát, tích hợp chính sách, giảm chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Để giúp Việt Nam có thể hoàn thành các mục tiêu về an sinh xã hội, bà Ingrid Christensen- Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) cho biết, ILO cam kết tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới thông qua những khuyến nghị, dự án.
“Rõ ràng đây là vấn đề liên quan đến tất cả người dân Việt Nam và đồng thời chỉ có thể nhờ sự đóng góp của tất cả các tài năng, kinh nghiệm cũng như nỗ lực mà bảo trợ xã hội là ưu tiên dành cho một nhóm người nhỏ. Tôi cũng xin tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Tổ chức lao động quốc tế song hành cùng với Chính phủ Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Việt Nam cũng như các đối tác xã hội để có thể hiện thực hóa được tầm nhìn chia sẻ của Việt Nam sẽ có khuôn khổ trợ giúp xã hội phổ quát vào năm 2030”, bà Ingrid Christensen nói./.