Lấy kinh nghiệm “thực chiến” ở Bắc Giang, Bắc Ninh để ứng phó dịch tại các KCN khác
VOV.VN - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 giao cho Bộ Y tế, Quân y, y tế Công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng để chi viện kịp thời trong tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn tại KCN đông công nhân.
Chuẩn bị lực lượng chi viện cơ động để lấy mẫu, xét nghiệm
Dịch COVID-19 xâm nhập và lây lan nhanh tại các khu công nghiệp (KCN) ở Bắc Ninh và Bắc Giang đặt ra yêu cầu phải thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm số lượng lớn trong thời gian rất ngắn, do vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá cao sự chi viện, hỗ trợ của các địa phương, đơn vị cho 2 tỉnh này.
Theo các chuyên gia, việc lấy mẫu phải rất chuyên nghiệp để đảm bảo độ chính xác khi xét nghiệm, đặc biệt, như tình huống ở các KCN Bắc Ninh, Bắc Giang có thể cần tới hàng nghìn người lấy mẫu trong một thời điểm. Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Bộ Y tế, Quân y, y tế Công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng để chi viện kịp thời trong tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn tại KCN đông công nhân. Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị xe xét nghiệm lưu động đi kèm với lực lượng hỗ trợ lấy mẫu.
“Địa bàn nào cần hỗ trợ, nhất là các KCN, lực lượng này có thể lên đường chi viện ngay. Cùng với đó, Bộ Y tế thành lập nhóm chuyên gia tư vấn cho các địa phương thực hiện kết hợp các loại xét nghiệm trong từng tình huống khác nhau, tương tự như cơ chế hoạt động của nhóm chuyên gia hỗ trợ điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng cho các bệnh viện cả nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu.
Nhiều lực lượng chi viện đã đổ về Bắc Giang, theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang có mặt tại đây điều phối lực lượng tối ưu, coi như đây là một đợt “thực chiến”, sau đó đúc rút kinh nghiệm để phổ biến cho các KCN khác. Ngoài các ổ dịch trong KCN hiện nay, Bắc Ninh, Bắc Giang cần tiếp tục bám sát tất cả các địa bàn, xét nghiệm sàng lọc rất sớm, có các giải pháp cần thiết.
Đối với công tác điều trị, Bắc Ninh, Bắc Giang, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu hết sức chú ý, theo dõi ngay từ đầu những bệnh nhân mắc có bệnh nền nặng, khi cần thiết phải chuyển lên tuyến Trung ương ngay từ khi chưa chuyển nặng, tuyệt đối không để xảy ra ca tử vong.
Lập đường dây nóng hỗ trợ khai báo y tế
Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, theo phản ánh của người dân, nhiều nơi thực hiện khai báo y tế không nhất quán; trong quá trình khai báo còn phức tạp, gây khó khăn cho nhiều người dân. Thực tế, nhiều người đã khai báo y tế trên giấy khi đến nơi khác vẫn phải khai báo lại hoặc khai báo rồi mà không có người hỏi đến. Dẫn đến tình trạng một số người, dù không cố tình trốn tránh khai báo y tế, nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên, đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại rất nghiêm túc các quy định về khai báo y tế, đảm bảo thật đơn giản, thuận tiện để mọi người dân có thể khai báo; những người gặp khó khăn trong khai báo thì phải được trợ giúp: “Khai báo y tế là việc làm rất cần thiết để có thể kiểm soát được những người có nguy cơ lây nhiễm như người vào bệnh viện, đi máy bay hay bây giờ là công nhân ở các KCN tập trung. Chúng ta phải có công cụ, có cách tổ chức để nhân dân, mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh đều khai báo y tế thuận lợi”.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ GTVT phải hoàn thiện các công cụ liên thông dữ liệu, để người dân không phải khai báo nhiều lần và chỉ cần cập nhật những thông tin mới nhất.
Trong 24h tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phải chỉ đạo các nhà mạng và cùng Tổ thông tin của Ban Chỉ đạo thiết lập xong đường dây nóng, tổ chức lực lượng tình nguyện, tổng đài viên để tiếp nhận, trợ giúp mọi yêu cầu của người dân về khai báo y tế miễn phí một cách thông suốt và kịp thời.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị, ngoài những đối tượng bắt buộc phải khai báo y tế như vào bệnh viện, đi máy bay, có liên quan đến vùng dịch, ca nhiễm… thì cần quy định thêm sinh viên đại học, công nhân làm việc trong KCN tập trung cũng cần khai báo y tế. Theo đó, Bộ Y tế khẩn trương ban hành các tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh theo mức độ có nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao ở các địa bàn và quy định các đối tượng phải khai báo y tế bắt buộc phù hợp tình hình chống dịch.
Trước mắt, Ban Chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc và TP Đà Nẵng căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo khai báo y tế bắt buộc đối với người làm việc trong khu tập trung, để có ngay phương án ứng phó khi xuất hiện dịch liên quan đến KCN, không để dịch lây lan.
Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trong trường hợp cách ly nhiều người phải đảm bảo an toàn cách ly và xét nghiệm, không để lây dịch trong khu cách ly. Các chuyên gia đề nghị 2 tỉnh này xem xét cách ly công nhân tại ngay các khu ký túc xá có cơ sở vật chất tốt./.