Mùa hè đặc biệt của trẻ em ở Bình Dương thời COVID-19
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các bậc phụ huynh, cũng như các đơn vị ở Bình Dương đã có những cách thức linh hoạt để trẻ có một mùa hè an toàn, bổ ích.
Những năm trước, vào dịp nghỉ hè, nhiều gia đình hào hứng với hàng loạt dự định du lịch, hoạt động vui chơi sau một năm học tập miệt mài, căng thẳng của con em mình. Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các bậc phụ huynh, cũng như các đơn vị đã có những cách thức linh hoạt để trẻ có một mùa hè an toàn, bổ ích.
Gắn kết tình cảm gia đình
Hằng năm, cứ mỗi mùa hè đến chị Lê Thị Bích Phương (phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cùng chị em trong gia đình lên kế hoạch để con cháu có một chuyến du lịch xa vài ngày. Năm nay, tạm gác lại tất cả dự định, đại gia đình chị quây quần bên nhau. Người lớn thay phiên nhau nấu ăn, chăm sóc vườn cây ăn trái, trẻ em chơi đùa cùng nhau.
Chị Phương tâm sự, nhìn 7 đứa trẻ chơi với nhau người lớn cũng cảm thấy hạnh phúc. Các con được ở gần với nhau sẽ càng gắn kết thêm tình cảm anh chị em dòng họ và còn biết nhắc nhau phụ giúp việc nhà.
“Nhiều khi mình ăn cơm xong các cháu đã tự phân chia nhau rồi. Nó nói ăn xong mẹ cứ đi nghỉ ngơi đi, đứa này rửa chén, đứa kia lau bàn… tụi nó đã có sự phân công nhau trước. Mặc dù, chúng nó còn nhỏ vừa chơi vừa thách thức nhau nhưng cũng đã có ý thức trong công việc. Do tình hình chung, các cháu cũng rất hiểu, thường nhắc nhở nhau không được đi thăm bạn, hoặc đi nơi này nơi kia”, chị Phương nói.
Còn gia đình chị Lê Thị Thanh (phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một), năm nay con trai chị Hoàng Công Minh Tường (7 tuổi) đạt kết quả học tâp tốt nên anh chị dự định sẽ cho con đi tắm biển, về quê thăm ông bà. Nhưng rồi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên thay vì đi xa, anh chị ở nhà vui chơi cùng con. Để những ngày hè ở nhà không nhàm chán, chị đã mua rất nhiều truyện tranh, những câu chuyện về các vĩ nhân để con dần làm quen, đam mê đọc sách.
Chị Thanh tâm sự, để con không cảm thấy bí bách, cuối tuần ba mẹ đưa con đến công viên nơi vắng người để vận động và hít thở không khí trong lành; đồng thời bày con chơi các trò chơi dân gian. Vui chơi và đồng hành bên nhau, chỉ muốn giúp con vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa có những ngày nghỉ hè thực sự bổ ích.
“Cảm giác như qua nhiều đợt dịch bạn cũng dần hiểu và dần thích nghi hơn với việc ở nhà, cho nên bạn cũng chịu khó giúp đỡ ba mẹ việc nhà. Đối với ba mẹ, việc ở nhà nhiều như thế này sẽ là thời gian ở bên con nhiều hơn, hiểu con hơn và hướng dẫn con cách tự chăm sóc mình tốt hơn”, chị Thanh cho biết.
Linh hoạt chuyển đổi sân chơi phù hợp
Theo thống kê, tỉnh Bình Dương có gần 500.000 trẻ em, trong đó rất đông con em công nhân lao động. Để mùa hè thật sự ý nghĩa, những năm trước các ban ngành, đoàn thể, địa phương ở Bình Dương đều có những chương trình thiết thực giúp cho trẻ có những trải nghiệm thú vị.
Một trong những hoạt động được các em chờ đợi là việc luân chuyển sách phục vụ trẻ em ở vùng xa, nhà trọ và nhiều sân chơi bổ ích tại hệ thống thư viện tuy nhiên hiện nay do dịch bệnh đã tạm dừng khiến nhiều em tỏ ra hụt hẫng.
Để phục vụ các độc giả “nhí”, Thư viện tỉnh Bình Dương đã xây dựng thư viện điện tử với nhiều đầu sách hấp dẫn; làm video giới thiệu sách đăng tải trên trang web thư viện; tổ chức cuộc thi viết cảm nhận sách để tạo thói quen đọc sách cho trẻ...
Ông Nguyễn Văn Huệ- Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Dương cho biết, việc phục vụ độc giả từ hình thức trực tiếp chuyển sang online cũng gặp những khó khăn. Bởi thư viện đang thiếu nhân lực, kỹ thuật để làm ra các sản phẩm có hiệu ứng tốt, thu hút độc giả. Thư viện đang hướng tới đầu tư việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phòng thu đạt chuẩn.
“Bình Dương đang xây dựng kế hoạch chuyển từ hoạt động truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ điện tử. Trong hệ thống thư viện phải có chuyển đổi số để phục vụ qua môi trường Internet, đó là hướng đi mang tính lâu dài mà thư viện sẽ trình UBND tỉnh trong năm 2021. Sau đó, cũng có những chiến lược và xây dựng thư viện điện tử, rồi ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo con người quản lý, vận hành hệ thống”, ông Huệ nói.
Với phương châm “Phòng dịch nhưng vẫn có sân chơi ý nghĩa cho trẻ”, đầu tháng 6 -Tháng hành động vì trẻ em, Nhà thiếu nhi tỉnh Bình Dương đã linh hoạt xây dựng các chương trình phù hợp.
Thông qua fanpage Nhà thiếu nhi 83, Hội đồng đội tỉnh Bình Dương, Nhà thiếu nhi tỉnh đã thực hiện một số chương trình livestream các chuyên đề giúp trẻ có thêm kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em…
Ngoài ra “Sân chơi cuối tuần online” với nhiều chuyên mục đăng tải trên fanpage Nhà thiếu nhi 83 cũng đã thu hút đông trẻ em đón xem, như: điểm tin măng non, vượt qua thử thách có thưởng...
Ông Nguyễn Phan Thái Anh- Giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh Bình Dương cho biết: “Thông qua những nội dung của chương trình, chúng tôi mong muốn các em sẽ được tiếp cận trong một trong hoàn cảnh không thể đi ra ngoài vẫn được học tập, trao dồi và có các thông tin hết sức bổ ích. Từ đó, các em có sự thoải mái trong tinh thần, cũng như học tập được những điều tốt giúp cho bản thân mình ngày một tốt hơn”.
Đợt dịch thứ 4 này, Bình Dương có 8 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và hàng trăm người đang phải cách ly. Dù phải gồng mình chống dịch nhưng các ngành, các cấp, các địa phương vẫn không quên chăm lo cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em. Đoàn thanh niên các cấp đã vận động, đóng góp xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ tại nhà văn hóa khu phố, ấp, khu nhà trọ…
Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp cũng đã vận động, bố trí ngân sách trao hàng ngàn phần quà cho trẻ em khó khăn. Qua đó, giúp trẻ em, đặc biệt là con em công nhân lao động có một mùa hè an toàn, bổ ích và cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.