Năm 2022, thiên tai tiếp tục sẽ có diễn biến phức tạp, dị thường
VOV.VN - Năm 2022, tình hình thiên tai trên cả nước sẽ diễn biến phức tạp, dị thường, vì vậy các bộ ban, ngành, địa phương không được chủ quan, tiếp tục nỗ lực ứng phó kịp thời so với yêu cầu thực tế.
Thiên tai diễn biến phức tạp, dị thường ngay những tháng đầu năm 2022
Sáng 25/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có các Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực; Thứ trưởng Bộ Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài và các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện các ban, cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, năm 2021, "mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 16.000 người chết, mất tích, tổng thiệt về kinh tế trên 340 tỷ USD và tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia, khu vực.
Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản trong năm 2021 (108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng), thiệt hại thấp nhất trong những năm gần đây”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thiên tai tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, những tháng đầu năm 2022, thiên tai tại nước ta đã cho thấy những diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19-24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C như tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) nhiệt độ xuống tới -1,4 độ C. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa với tổng lượng mưa từ 200-600 mm, trong đó có nơi mưa đặc biệt lớn như tại Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 835 mm (là đợt mưa là kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ).
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
"Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy, thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường. Sự dị thường của thời tiết đã được thể hiện ngay trong đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa từ ngày 30/3-2/4 vừa qua. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng (gần bằng 1/2 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2021)", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.
Có trường hợp trong thực tế không chấp hành tốt quy trình xả lũ
Sau khi nghe báo cáo và các phần trình bày của các bộ, ban, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định, tình hình thiên tai thế giới năm 2021 vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Song những những thiệt hại do thiên tai gây ra ở trong nước, đã giảm đáng kể so với năm 2020.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế như: Công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Phương tiện trang thiết bị, công cụ, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng lĩnh vực, dẫn tới những bị động trong ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong nhiều tình huống. Việc đầu tư nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng như hệ thống đê điều, thủy lợi, ... còn hạn chế. Dẫn tới nhiều rủi ro và việc khắc phục ảnh hưởng của thiên tai còn chậm.
Công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
“Nhiều đợt thiên tai, sau cả tháng Ban Chỉ đạo mới tổng hợp đề xuất hỗ trợ; một số địa phương sau khi nhận được hỗ trợ nhưng triển khai chậm dẫn tới phải kéo dài thời gian, không phù hợp với tính chất hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai; việc đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai không dứt điểm, làm giảm hiệu quả”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Tiếp đến là công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt. Việc chấp hành quy định vận hành liên hồ chứa chưa nghiêm; việc thông báo cho chính quyền địa phương, người dân khi xả lũ ở một số hồ chứa chưa kịp thời, đúng quy định hoặc hình thức thông báo chưa phù hợp, kịp thời dẫn đến bị động trong ứng phó.
“Quy trình này cần xem xét lại, tránh trường hợp phân cho các địa phương, các địa phương lại giao cho chủ hồ…Sự phối hợp khi xả lũ. Nếu phối hợp không tốt sẽ rất nguy hiểm, lưu lượng tăng lên nhanh chóng, người dân không kịp ứng phó. Việc thông báo, khuyến cáo cho nhân dân không kịp thời, chưa phù hợp. Các Bộ, ngành phải tập hợp, rà soát, làm rõ. Phải kiểm tra, thanh tra, làm rõ. Thông báo cho nhân dân phải thông báo sớm, để người dân có đủ thời gian để ứng phó. Việc này cần phải phân tích kỹ, trở thành bài học trong phòng, chống thiên tai. Ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi. Cũng có thực tế không chấp hành tốt các thông báo, quy trình xả lũ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định trong chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai được dự báo sẽ ngày càng diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cần phải xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau: Phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai.
“Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ, và nguồn lực đầu tư lớn. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan của khí hậu, việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngủ, mở rộng hợp tác quốc tế là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TNMT chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ ngành trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai; Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; Quan tâm đầu tư hơn nữa cho công tác phòng, chống thiên tai. Triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, nhất là Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 76 và các Nghị định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai.
Rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai...
“Chúng ta sẽ cùng cố gắng cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phấn đấu năm 2022 thiệt hại về người, về tài sản thấp hơn năm 2021”, Phó Thủ tướng đặt quyết tâm./.