Nắng nóng kéo dài, nông dân Sơn La căng mình chống hạn
VOV.VN - Từ đầu năm tới nay, nhiều nơi của tỉnh Sơn La không có mưa, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài ở nhiều nơi làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người nông dân.
Nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến hơn 2 ha nhãn, xoài, cà phê của gia đình anh Trần Bình Trọng ở bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La không thể kết trái; nhiều diện tích bị rụng hoa; lá, cành héo úa.
Anh Trọng chia sẻ, năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn hẳn so với mọi năm. Bà con trong bản đã tận dụng nước trong ao, giếng khoan để tưới cho cây trồng, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp ứng phó tạm thời bởi nguồn nước sắp cạn kiệt; còn với những nương ở trên đồi, xa nguồn nước thì không thể khắc phục, tưới nước bao nhiêu bốc hơi hết bấy nhiêu. Hiện bà con dân bản chỉ mong trời mưa, để giải tỏa “cơn khát” cho cây trồng.
"Những nhà nào có giếng khoan ở gần nương thì tưới cho cây trồng bằng giếng, ngoài ra không có phương án nào, vì ở đây nắng mưa đều do thời tiết, mình không có phương án nào để đề phòng cho hạn hán" - anh Trong cho biết thêm.
Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La có hơn 2.000 ha diện tích trồng cà phê tại huyện Mai Sơn, huyện Thuận Châu và thành phố Sơn La. Đúng thời điểm cà phê ra hoa, kết trái, thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài đã làm vùng nguyên liệu cà phê phục vụ cho sản xuất của HTX bị rụng hoa, héo úa, khó đậu quả.
Theo ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La, thời tiết cực đoan đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu của HTX, thời điểm này, thiệt hại ước tính đã lên đến hơn 65% so với vụ mùa năm trước.
"Hiện HTX khắc phục bằng cách gạt cành cây và chuẩn bị phân bón để chờ mưa đến, sẽ bón thúc khẩn trương để cây phục hồi, khả năng sẽ vớt vát được lứa hoa cuối của cuối tháng 4, đầu tháng 5. Nhưng sang tháng 5 mà không có mưa thì không có phương án gì để khắc phục. Hiện người trồng cà phê ở Sơn La có đến 95% đều dựa vào thiên nhiên, khi thời tiết khắc nghiệt như thế này đều bị ảnh hưởng" - ông Thao chia sẻ.
Theo ghi nhận, những ngày gần đây, tỉnh Sơn La tiếp tục nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ tăng cao, có nơi 42 độ C, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân.
Hiện dung tích trữ nước tại 110 hồ chứa trên địa bàn đều chỉ còn từ 50 – 60%, riêng hồ Chiềng Khoi, huyện Yên Châu giảm còn 10%; nhiều hồ chứa nước lớn không đảm bảo cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Xuân Hùng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, trong đó chủ động tích trữ, điều tiết nước tại các hồ chứa, kênh mương phù hợp; với những nơi không đủ lượng nước dự trữ, hướng dẫn bà con trồng các loại cây, rau màu chịu hạn tốt...
Theo ông Hùng: "Đối với sản xuất, chúng tôi đã có khuyến nghị với các đơn vị, trên cơ sở nguồn nước hiện có thì rà soát, đánh giá lại nguồn nước, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước hiện có. Đối với diện tích khô hạn thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thời gian sinh trưởng ngắn và sử dụng ít nước. Đối với diện tích không có khả năng cấp nước thì đành chấp nhận bỏ lại, không canh tác để giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân".
Trước tình hình hạn hán kéo dài trên diện rộng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện và thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của hạn hán; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Đối với các công trình thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình mới đầu tư; tổ chức duy tu, bảo dưỡng đối với các công trình lâu năm...