Nên thí điểm áp dụng "hộ chiếu vaccine" trước khi triển khai rộng rãi
VOV.VN - Dù việc triển khai “hộ chiếu vaccine" đang gây nhiều tranh cãi nhưng Việt Nam cần có sự chuẩn bị và nên áp dụng thí điểm trước khi triển khai. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi TW nêu quan điểm khi trả lời phỏng vấn của PV VOV2.
PV: Thưa PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, theo dõi sự phản ứng khác nhau giữa các quốc gia trước ý tưởng “hộ chiếu vaccine”, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Vấn đề hộ chiếu vaccine có nhiều tranh cãi, chuyện đó là đương nhiên vì vaccine Covid-19 còn mới quá. Chúng ta phê duyệt trong tình trạng khẩn cấp nên chưa có đủ thời gian để đánh giá về hiệu lực của vaccine. Mặt khác thì nguồn vaccine ngừa Covid-19 hiện nay cũng chưa phủ kín được trên toàn thế giới mà rất khác nhau ở các quốc gia có điều kiện khác nhau. Để chống dịch thì còn phải có rất nhiều những biện pháp tổng hợp chứ không riêng vaccine. Vì vậy mà hộ chiếu vaccine sẽ còn có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho việc áp dụng hộ chiếu vaccine. Và nếu có sự chuẩn bị tốt thì chắc chắn là chúng ta sẽ có thể làm được.
PV: Khi một người được cấp “hộ chiếu vaccine” thì liệu có thể khẳng định người đó là an toàn, không có khả năng lây truyền SARS-COV-2, thưa PGS- TS?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Câu trả lời của tôi là không thể khẳng định 100%. Vậy thì nó sẽ là bao nhiêu phần trăm? Điều này rất khó, chúng ta phải suy xét kỹ lưỡng. Hiện nay các nghiên cứu cho thấy, khả năng bảo vệ một người khỏi nguy cơ lây nhiễm SARS - CoV-2 đạt khoảng từ 60 đến 90%, tùy từng loại vaccine. Nhưng nó còn phụ thuộc vào các yếu tố như: đó là loại vaccine nào, thời gian, địa điểm tiêm, quy trình bảo quản vaccine và kỹ thuật tiêm có chuẩn không. Hiệu lực bảo vệ của vaccine còn phụ thuộc vào người đó đáp ứng với vaccine như thế nào? Cho nên chưa thể khẳng định được người có hộ chiếu vaccine là không mang virus SARS -CoV-2 và không lây nhiễm cho người khác.
PV: Nếu như vậy hộ chiếu vaccine không phải là tấm vé đảm bảo di chuyển tự do trong bối cảnh như hiện nay, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Chỉ riêng hộ chiếu vaccine không thôi thì không đảm bảo di chuyển tự do một cách an toàn cho bản thân người có hộ chiếu cũng cũng như cho cả cộng đồng. Sự an toàn phụ thuộc vào bước tiếp theo chúng ta nên áp dụng hộ chiếu vaccine như thế nào? Tôi có một số suy nghĩ ban đầu:
-Thứ nhất, phải đảm bảo là người mang hộ chiếu vaccine đó được tiêm vaccine đảm bảo chất lượng, đúng quy trình chuẩn.
-Thứ hai là khi vào cộng đồng, ví dụ như là người nhập cảnh thì chúng ta phải khẳng định người đó không mang SARS-CoV-2. Muốn như thế chúng ta phải xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.
-Thứ ba là phải đảm bảo ít nhất trong 14 ngày đầu người đó vào Việt Nam du lịch hay làm việc, học tập… không bị nhiễm Covid -19 và không có khả năng lây truyền virus cho người khác. Chúng ta phải quản lý trong suốt lịch trình. Những trường hợp vào Việt Nam du lịch hoặc làm việc trong thời gian ngắn thì lúc xuất cảnh cần xét nghiệm lại một lần nữa. Ở đây có hai tình huống: nếu như lúc nhập cảnh và xuất cảnh đều âm tính với SARS-CoV-2 thì chúng ta hoàn toàn yên tâm. Nhưng giả thuyết có những trường hợp dương tính thì chúng ta còn một cơ hội nữa là truy vết ngược lại. Muốn truy vết ngược trở lại thì cả quá trình người ta lưu hành ở trong cộng đồng, chúng ta phải quản lý được, phải có thông tin thì mới truy vết được. Tôi nghĩ rằng Việt Nam chúng ta hoàn toàn đã có đủ những kinh nghiệm để có thể thực hiện đủ cả bốn yếu tố đó. Chúng ta sẽ phải áp dụng một cách từ từ để xem bốn bước mà chúng ta quản lý đấy thì hiệu quả an toàn là bao nhiêu? Tôi muốn nhấn mạnh: an toàn tức là một người vào trong cộng đồng mà không mang bệnh và không lây truyền bệnh sang cho những người khác.
PV: Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ ngành đang có những bước chuẩn bị ban đầu để áp dụng giải pháp “hộ chiếu vaccine”. Theo ông, nước ta cần chuẩn bị những điều kiện gì để có thể cấp “hộ chiếu” này cho những công dân đã được tiêm vaccine phòng Covid-19?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Theo tôi, đầu tiên chúng ta phải chuẩn bị tờ khai y tế hoặc là một cái phiếu có đầy đủ thông tin về loại vaccine, thời gian tiêm, cơ sở tiêm rồi các các biểu hiện về y tế. Thứ hai là phải tăng cường khả năng xét nghiệm. Và đó phải là xét nghiệm kháng nguyên chứ không phải xét nghiệm kháng thể. Bước tiếp theo phải chuẩn bị nền tảng giám sát trong suốt cả lịch trình của những người nhập cảnh. Với nền tảng số ví dụ như là khai báo y tế mã QR hay Bluezone mà chúng ta mới thực hiện thì tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được. Sau đó những người xuất cảnh chúng ta phải có khả năng xét nghiệm lại. Nếu làm được 4 khâu đó thì chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được hộ chiếu vaccine. Điều này đòi hỏi tốn kém về kinh tế và can thiệp một cách đồng bộ, không đơn thuần một khâu nào mà cũng không phải chỉ có mỗi ngành y tế có thể làm được. Như vậy đây là một cái phản ứng đa ngành, cần có sự tham gia vào cuộc của nhiều bộ ngành.
Với công dân Việt Nam hiện nay, việc cấp hộ chiếu cũng sẽ phải tính đến. Tôi muốn nói rằng, việc chuẩn bị đấy là phải một nền tảng số. Ví dụ như là chúng ta sẽ liên thông, khi mà chúng ta tiêm vaccine thì khai báo đó sẽ liên thông quốc tế và được các nước công nhận, giống như chúng ta công nhận hộ chiếu vaccin của các quốc gia khác.
PV: PGS-TS có đề xuất gì về lộ trình cũng như các bước thực hiện triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” ở nước ta? Trước mắt chúng ta có nên giảm thời gian cách ly với người có “hộ chiếu vaccine”?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Đây là câu hỏi lớn. Hiện tại thì chưa thể giảm thời gian cách ly với người có hộ chiếu vaccine. Chúng ta thấy rằng là có một bác sĩ người Mỹ gốc Việt khi về Việt Nam cũng mang hộ chiếu vaccine nhưng vẫn phải cách ly 14 ngày. Nhưng có lẽ là chúng ta phải xem xét việc thay đổi thời gian cách ly cũng như quy trình cách ly. Điều này sẽ do Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 quyết định. Nhưng theo tôi thì nếu làm đúng bốn cái quy trình trên thì chúng ta có thể giảm được thời gian cách ly. Thậm chí như sau một thời gian thử nghiệm mà thấy 4 cái bước đó là an toàn thì chúng ta có thể bỏ cách ly đối với người nhập cảnh.
PV: Như vậy lộ trình áp dụng hộ chiếu vaccine phải tiến hành từng bước, không thể vội vã, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Đúng như vậy. Chúng ta nên làm giống như là một nghiên cứu thí điểm với quy mô nhỏ. Ví dụ thí điểm trên từng chuyến bay, từng đường bay, tùy theo khả năng của mình, xem xét công nhận hộ chiếu vaccin của quốc gia nào chứ không phải tất cả. Sau một thời gian tổng kết lại, ví dụ như chúng ta sẽ làm vài chu kỳ 14 ngày và thấy rằng những người xuất – nhập cảnh như thế cũng đảm bảo an toàn khoảng 98%, chứ nếu 100% là khó. Sau khi có một loạt thí điểm như thế thì đánh giá lại, điều chỉnh, làm thế nào chọn đúng điểm vừa an toàn, vừa không bỏ qua những cơ hội lớn. Tôi tin chúng ta có thể làm được.
PV: Bên cạnh những lo ngại về hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 thì việc triển khai đồng bộ “hộ chiếu vaccine” cũng vướng phải những ý kiến phản đối vì lo ngại sẽ gây ra sự phân biệt đối xử giữa người đã tiêm và chưa tiêm, làm trầm trọng thêm sự chênh lệch kinh tế - xã hội giữa các nước giàu và nước nghèo. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần cân nhắc khi áp dụng giải pháp “hộ chiếu vaccine”, thưa ông?
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung: Cái này rất đúng. Đấy chính là điểm Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo sử dụng hộ chiếu vaccine. Vì điều mà người ta muốn hướng tới là sự công bằng. Tại Việt Nam thì Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ, ai được ưu tiên tiêm trước, ai là người tiêm sau, sử dụng vaccine theo cơ chế COVAC như thế nào và khuyến khích xã hội hóa … Ở nước ta, để đảm bảo miễn dịch cộng đồng thì số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phải đạt khoảng 70 triệu người. Chúng ta không ngại chuyện mất công bằng ở trong nước. Còn chuyện mất công bằng giữa các nước vượt quá khả năng của chúng ta. Nhưng tất các các nước đang có xu hướng chuẩn bị hộ chiếu vaccine thì nước ta cũng nên chuẩn bị. Thực hiện thế nào để đảm bảo về tính an toàn, về các cơ hội phát triển kinh tế, vừa đảm bảo ngoại giao… rất nhiều yếu tố phải cân nhắc và hi vọng chúng ta sẽ có quyết định sáng suốt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS – TS Nguyễn Tuyết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2./.
Mới đây, Ủy ban châu Âu đề xuất kế hoạch cấp "Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số" - một loại "hộ chiếu vaccine" - nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại tự do và an toàn giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu trong bối cảnh đại dịch Covid-19. "Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số" được cấp cho những người đã chủng ngừa hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của nhiều quốc gia và các tổ chức du lịch.
Trước đó, Trung Quốc đã khởi động chương trình cấp chứng nhận y tế điện tử cho người dân muốn ra nước ngoài, dẫn đầu thế giới về kế hoạch cấp "hộ chiếu vaccine". Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định không khuyến khích sử dụng hộ chiếu vaccine cho các hoạt động đi lại. Không ít nhà phân tích lo ngại, nếu hộ chiếu vaccine sớm được phát hành, các nước giàu lại là các nước chiếm ưu thế hơn trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế; trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang phải “vật lộn” để có được nguồn cung vaccine do bất bình đẳng trong cơ chế phân phối và sẽ ngày càng bị tụt lại phía sau./.