Nỗi lo sạt lở ven sông, rạch vào mùa mưa bão tại tỉnh Tiền Giang
VOV.VN - Tiền Giang có hệ thống sông, rạch chằng chịt. Vào mùa mưa bão tình trạng sạt lở bờ sông, rạch xảy ra rất đáng báo động, gây ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng con người, bế tắc lưu thông cần có những giải pháp khắc phục kịp thời.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ngoan, ở ấp Mỹ, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, (tỉnh Tiền Giang) cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây rất bức xúc vì đoạn sạt lở “hàm ếch” dài hơn 50 mét ven sông Rạch Gầm đã cắt đứt đường giao thông hơn 4 tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục.
Trước đây tại bờ sông này đã xảy ra một đoạn sạt lở lớn, khi khắc phục vừa xong thì tiếp tục xảy ra đoạn sạt lở khác. Ông Ngoan đề nghị chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục vì nguy cơ sạt lở đất sẽ xảy ra vào mùa mưa bão: "Từ ngày sạt lở đến giờ, người dân đi lại rất khó khăn, không còn đường để đi, buộc người dân phải đi vòng. Nếu để thời gian nữa, nước ngập do triều cường, ghe chạy sóng đánh tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi hy vọng cơ quan chức năng nhanh chóng khắc phục những vấn đề này".
Còn tại xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy hiện có đến 9 điểm sạt lở ven bờ sông Ba Rài, ảnh hưởng đến việc lưu thông và mất nhiều diện tích đất của người dân. Trong đó có 4 điểm sạt lở lớn ngoài khả năng khắc phục của địa phương. Nghiêm trọng nhất là đoạn sạt lở “hàm ếch” tại ấp Xuân Kiểng dài đến hơn 110 mét.
Ông Lê Văn Thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Xuân cho biết thêm: "Do triều cường, thay đổi dòng chảy nên sạt lở đối với xã Hội Xuân đang báo động, ảnh hưởng đến đường đi luôn. Điểm sạt lở tại ấp Hội Nhơn người tham gia giao thông không được bị ách tắc. Còn ở ấp Xuân Kiểng sạt lở vô nửa lộ, xã đã rào chắn. UBND xã Hội Xuân có trình lên cơ quan chức năn cấp huyện, nhưng tới thời điểm này chưa có khắc phục được. Nếu chúng ta không khắc phục sớm sẽ có nguy cơ sạt tiếp”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng sạt lở xảy ra triền miên ở địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều nguyên nhân; trong đó mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở do dòng chảy đạp thẳng vào bờ; tình trạng thay đổi dòng chảy, khoảng lưu không và hệ thống cây xanh ven các sông, rạch mất dần.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng, cơ sở sản xuất, kinh doanh quá gần bờ sông hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở ven bờ. Riêng hệ thống kênh rạch ở huyện Cái Bè, Cai Lậy có mật độ phương tiện thủy lưu thông tăng cao khi phục vụ dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã gây quá tải đường thủy, nước cuốn mạnh gây sạt lở đất bờ sông. Ngoài ra, một số công trình khắc phục sạt lở, làm bờ kè có biểu hiện kém chất lượng chỉ sau một thời gian ngắn đã bị sụp lún...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 100 điểm sạt lở với chiều dài gần 7.500 mét, tập trung ở các nơi như huyện Cai Lậy 12 điểm, Thị xã Cai Lậy 21 điểm, huyện Châu Thành 19 điểm... Ước kinh phí khắc phục khoảng 133 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, đề xuất kịp thời cho UBND tỉnh cho chủ trương xử lý 52 điểm sạt lở với kinh phí xử lý hơn 106 tỷ đồng, các điểm sạt lở còn lại các huyện chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để khắc phục. Tuy nhiên, gần đây do dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai các công trình khắc phục sạt lở này còn chậm; nguồn kinh phí ở địa phương rất hạn chế.
Tại huyện Cái Bè xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất với 47 điểm sạt lở, chiều dài 2.500m cần kinh phí khắc phục khoảng 47 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh hỗ trợ huyện xử lý 35 điểm, chiều dài 1.800m với kinh phí 42 tỷ đồng, các điểm còn lại sử dụng nguồn dự phòng cấp huyện xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Thảo, Giám đốc Ban quản lý dự án và Phát triển Quỹ đất huyện Cái Bè cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 18 điểm sạt lở mới có quy mô lớn nằm ngoài khả năng của huyện cần được tỉnh quan tâm, hỗ trợ: "Hiện tình trạng sạt lở mới quá nhiều, chúng tôi đang xin tỉnh nhưng phía tỉnh chưa có ý kiến. Tỉnh nói sẽ có đoàn xuống khảo sát, tính toán. Khả năng của huyện rất khó khăn, không có tiền để làm. “Chữa cháy” bằng cách rào chắn tạm thời, sạt lở mới mà chậm không khắc phục thì sạt lở thêm thôi. Huyện đang có phương án mời tỉnh lên để khắc phục tạm đến khi có vốn sẽ làm tiếp”.
Thực tế cho thấy, việc khắc phục sạt lở rất phức tạp và tốn kém. Tại Tiền Giang nhiều khu vực sạt lở lớn nằm ngoài khả năng của tỉnh phải kiến nghị Trung ương hỗ trợ. Chỉ trong 3 năm qua, Trung ương đã hỗ trợ tỉnh Tiền Giang 340 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở với quy mô lớn trên địa bàn; trong đó có những dự án có quy mô lớn như: Xử lý sạt lở bờ sông Ba Rài, thị xã Cai Lậy, xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, xử lý sạt lở bờ sông Tiền tại cù lao Tân Long, thành phố Mỹ Tho.
Để phòng chống sạt lở bờ sông rạch, các địa phương trong tỉnh Tiền Giang tăng cường thực hiện tuyên truyền, vận động người dân trồng lục bình, cây chắn sóng, trồng cỏ mái sông, kênh, rạch để hạn chế sạt lở. Các ngành chức năng kết hợp chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở, có phương án khắc phục như làm các loại kè kiên cố; khẩn trương di dời nhà ở, di dời công trình… để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân./.