Ôn thi vào lớp 10: Những lỗi thường gặp trong bài văn nghị luận xã hội
VOV.VN - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, khi làm bài văn Nghị luận xã hội, học sinh thường gặp phải sai lầm phổ biến như quan niệm rằng viết càng dài càng tốt, kiểu gì cũng có ý trúng, điều này khiến bài viết trở nên thiếu mạch lạc và logic.
Chỉ còn gần 1 tháng nữa, học sinh trên TP Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đây được đánh giá là kỳ thi cam go, quan trọng không kém thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, thời gian này, học sinh Hà Nội đang phải dừng đến trường do dịch Covid-19. Việc ôn tập trực tuyến với nhiều thí sinh gặp không ít khó khăn.
Trao đổi với VOV.VN về cách ôn thi môn Ngữ văn trong thời gian nước rút, đặc biệt là phần nghị luận xã hội nhằm giúp thí sinh tự tin hơn trước mùa thi, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI cho biết, học sinh thường gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc do 3 lầm tưởng phổ biến như sau: “Đầu tiên là quan niệm viết càng dài càng tốt, kiểu gì cũng có ý trúng. Điều này khiến bài viết của các bạn học sinh trở nên thiếu mạch lạc và logic.
Tiếp đến là học sinh lầm tưởng đưa thật nhiều dẫn chứng, thể hiện sự hiểu biết của bản thân. Tuy nhiên, việc đưa nhiều dẫn chứng nhưng không phân tích dẫn đến hệ quả bài viết lan man, thiếu tính thuyết phục. Và cuối cùng là lầm tưởng đưa càng nhiều liên hệ thực tế vào bài thì bài càng trở nên sinh động. Khi học sinh làm dụng liên hệ thực tế như vậy sẽ khiến nội dung sa vào ý kiến chủ quan, đánh mất tính khách quan cần có của một bài văn nghị luận xã hội”, cô Trang chia sẻ.
Những lầm tưởng kể trên dẫn đến việc học sinh dễ mắc phải một số lỗi khi làm bài văn nghị luận xã hội ôn thi vào lớp 10.
Theo cô Thu Trang, lỗi thường gặp khi làm đề văn nghị luận xã hội là không xác định đúng dạng đề nghị luận xã hội. Việc xác định dạng đề nghị luận xã hội chính là nền tảng cơ bản để học sinh xây dựng bài làm của mình theo đúng hướng. Trên thực tế, dù đề văn nghị luận xã hội có đa dạng, phong phú như thế nào thì cũng sẽ quy về hai dạng với các cách triển khai bài khác nhau. Trong đó, dạng 1 là nghị luận về hiện tượng đời sống (hiện tượng, sự việc xảy ra trong đời sống có tính cấp bách, mang tính thời sự, tác động tới đời sống thường nhật). Ví dụ như hiện tượng bạo lực học đường, nghiện game hoặc các phong trào từ thiện hiến máu nhân đạo, tham gia từ thiện trong đợt dịch Covid-19.
“Đối với dạng bài nghị luận về hiện tượng đời sống, học sinh cần triển khai theo các bước như giải thích khái niệm, nêu biểu hiện, thực trạng vấn đề, lập luận về vai trò, tác động của vấn đề, giải pháp, liên hệ thực tế”, cô Trang lưu ý.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Trang, dạng bài nghị luận xã hội thường gặp thứ 2 là nghị luận về tư tưởng đạo lý như các vấn đề thuộc về ứng xử, lối sống, phẩm chất, đạo đức của con người trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như lòng khiêm tốn, đức tính lạc quan, lý tưởng sống của thế hệ trẻ; hòa bình thế giới, quyền trẻ em…
Với bài nghị luận về tư tưởng đạo lý, cô Trang lưu ý học sinh cần tuân thủ các bước sau: Giải thích tư tưởng, đánh giá về tư tưởng, nêu vai trò ý nghĩa tư tưởng (dẫn chứng), phản đề, bài học nhận thức hành động và liên hệ.
Bên cạnh xây dựng nội dung thì cách trình bày, giáo viên ngữ văn cho rằng, diễn đạt đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một bài văn nghị luận xã hội hoàn thiện. Trong quá trình giảng dạy, cô Thu Trang cho biết, học sinh thường gặp phải những lỗi trình bày như chưa đúng bố cục, hay sắp xếp ý lộn xộn, triển khai luận điểm thiếu mạch lạc, diễn đạt lan man, dài dòng không đúng trọng tâm. Để khắc phục lỗi này, cô Thu Trang lưu ý thí sinh nên tuân thủ các bước làm bài. Trong quá trình triển khai bài làm, học sinh cần chú ý diễn đạt rành mạch, rõ ý, kết hợp cân bằng giữa lý lẽ và dẫn chứng.
Trong bài văn nghị luận xã hội, cô Thu Trang cũng nhấn mạnh các thí sinh cần tránh việc thiếu dẫn chứng cụ thể, đưa chung chung hay dẫn chứng không tiêu biểu, dẫn chứng chủ quan, cảm tính, không thuyết phục cho luận điểm.
“Để đạt được kết quả tốt nhất cho phần văn nghị luận xã hội, các em cần có sự cân nhắc khi chọn dẫn chứng để đảm bảo về cả số lượng và chất lượng. Các em cũng cần đặc biệt chú ý việc đưa ra dẫn chứng cụ thể, khách quan và có nguồn trích dẫn rõ ràng để tăng hiệu quả cho bài văn nghị luận xã hội”, cô Thu Trang nhắc nhở./.