Phú Yên nỗ lực khống chế dịch Covid-19
VOV.VN - Phú Yên lần đầu tiên chống chọi với đại dịch Covid-19. Từ đội ngũ y bác sĩ đến hệ thống y tế, cán bộ của địa phương không khỏi hạn chế lúng túng. Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng người dân, đến nay, tỉnh Phú Yên đã khống được dịch bệnh.
Ngày 23/6, Sở Y tế tỉnh Phú Yên nhận thông báo của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa về 1 trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 (bệnh nhân 13.960) có địa chỉ thường trú ở thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa. Sau đó, chỉ trong vòng 2 tháng, từ ngày 23/6 đến 23/8, dịch bệnh lây lan nhanh ở tỉnh Phú Yên với 2.485 ca mắc Covid-19.
Khi mới xảy ra dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn về nhân lực thực hiện truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm. Tỉnh Phú Yên nhanh chóng triển khai phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại 2 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dưới sự hỗ trợ của Viện Pasteur Nha Trang, số mẫu xét nghiệm dưới 5.000 mẫu/ngày. Đến cuối tháng 6, hàng trăm chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên của các tỉnh, thành phố đã đến hỗ trợ tỉnh Phú Yên phòng chống dịch. Sự tiếp sức kịp thời cho lực lượng y tế cơ sở trong lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng dập dịch đã góp phần giúp Phú Yên từng bước kiểm soát dịch bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hương, Trưởng khoa Y tế Công cộng- Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng cho biết: “Các hoạt động chính sinh viên tham gia là lấy mẫu ở cộng đồng, thu thập các báo cáo. Còn đơn vị tham gia truy vết, khoanh vùng các F0, xác định các F1, F2 và xác định các khu phong tỏa. Khi nào có thể gỡ phong tỏa. Tham gia vào công tác nhập số liệu, viết báo cáo để biết được tình hình dịch bệnh tới đâu rồi để đưa ra các cảnh báo”.
Tại tỉnh Phú Yên, khi dịch Covid-19 bùng phát ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, cả người dân và chính quyền địa phương hết sức lo sợ. Đây là vùng núi cao, bà con quen sống tụ cư nên khi xảy ra dịch bệnh công tác chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết, khi các buôn bị phong tỏa, cán bộ xã Ea Trol trực tiếp xuống từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn bà con ở nhà chủ động chống dịch và đến nay, địa phương này đã hơn 50 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
“Khi trên địa bàn có những ca F0 chúng tôi làm rất nhanh. Đưa các F0 đến các cơ sở y tế. Đồng thời tập trung điều tra, truy vết, xác định các F1 để đưa vào các cơ sở cách ly y tế tập trung. Còn đối với những vùng phong tỏa, chúng tôi tiến hành phong tỏa và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả các người ở trong khu phong tỏa đó, thậm chí chúng tôi mở rộng ra khỏi khu phong tỏa đó”- ông Dân nói.
Ngày 23/7, tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian áp dụng giãn cách, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát, phòng chống dịch. Theo đó, cùng một lúc tỉnh này áp dụng cả 3 nền tảng của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia gồm: Nền tảng tiêm chủng, nền tảng hỗ trợ xét nghiệm, nền tảng khai báo Y tế và quét mã QR. Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 4, thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đã bố trí dán mã QR, khi tài xế điều khiển xe qua chốt tiến hành dừng và dùng điện thoại thông minh để quét QR Code.
Lái xe Phạm Văn Chính, trú phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: “Đặc thù công việc của emđi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhiều nên có mã QR này mình quét thuận tiện đi lại hơn”.
Qua hơn 3 tháng nỗ lực chống dịch, đến nay tỉnh Phú Yên đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, địa phương này không hề chủ quan, lơ là mà tiếp tục đưa ra các biện pháp phòng chống tích cực gắn với kế hoạch phục hồi sản xuất.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh sẽ mở cửa trở lại các hoạt động theo phương thức mở dần, vừa mở vừa kiểm soát, mở đến đâu kiểm soát đến đấy: “Để sản xuất được an toàn hơn, trong quá trình tiêm chủng thì các đối tượng sản xuất tại doanh nghiệp công nhân, người lao động cũng là một trong các đối tượng sản xuất tại doanh nghiệp, công nhân, người lao động cũng là một trong những đối tượng ưu tiên để chúng tôi tạo điều kiện. Chúng tôi đã chuyển từ việc tiêm nhóm người ưu tiên sang đối tượng ưu tiên, bây giờ là chuyển sang địa bàn ưu tiên. Hiện nay chúng tôi cho chủ trương tiêm trắng khu công nghiệp và vùng dân cư liên quan để cho hoạt động sản xuất khu dân cư đó sản xuất bình thường”./.