PTT Vũ Đức Đam: “Cả hệ thống trực chiến vì mầm bệnh đã có trong cộng đồng”

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 kêu gọi người dân thực hiện khẩu hiệu 5K vì "mỗi người an toàn thì cả nước mới an toàn”.

Chiều 14/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, mặc dù các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng trong cộng đồng đã có mầm bệnh, với điều kiện giao lưu, thông thương hiện nay, có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây nhiễm cho bất cứ ai. Cả hệ thống phải trong tình trạng “trực chiến”, khi phát hiện ca chỉ điểm là “ra quân” nhanh nhất, khoanh vùng ngay lập tức.

Nguy cơ dịch xâm nhập cộng đồng ở Bắc Ninh, Bắc Giang

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, các nguồn lây nhiễm liên quan đến Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái, đã được kiểm soát và không có khả năng lây lan ra cộng đồng. 

Với chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (gồm 18 trường hợp tại bệnh viện và 28 ca bệnh được ghi nhận tại 8 tỉnh, thành phố); chùm ca bệnh công ty Tân Trường Minh (khu công nghiệp An Đồn, với số lượng ca mắc là đến nay là 45 ca) đã bước đầu được kiểm soát, số lượng xét nghiệm thực hiện tại đây rất lớn và hầu hết cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, nguồn lây nhiễm tại Đà Nẵng chưa được xác định rõ nên có khả năng ghi nhận các ca bệnh ở những khu vực khác. Các tỉnh khác có ca nhiễm liên quan đến TP. Đà Nẵng vẫn có thể xuất hiện ca mới, phải sẵn sàng truy vết, khoanh vùng nhanh.

Tại Hà Nội đã ghi nhận 76 ca nhiễm, đều xác định rõ nguồn lây và dự kiến tới đây có thể ghi nhận một số ca nhiễm nhưng với kinh nghiệm đã có, các lực lượng của TP. Hà Nội sẵn sàng truy vết kịp thời, kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Về chùm ca mắc trong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngoài những trường hợp được cách ly từ trước, thì các ca mắc có liên quan được ghi nhận chủ yếu tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) đã tiến hành cách ly toàn bộ và chỉ tiếp nhận những ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng.

Đặc biệt, tại Bắc Ninh, đa số các trường hợp bệnh tập trung tại chùm ca bệnh ở huyện Thuận Thành và bắt đầu ghi nhận một số ca bệnh tại khu công nghiệp. Bắc Ninh là địa phương có nhiều khu công nghiệp và nguy cơ các khu công nghiệp có ca xâm nhập từ cộng đồng là rất lớn.

Tại Bắc Giang, hầu hết các ca bệnh liên quan đến Khu công nghiệp Vân Trung, từ 1 công ty đã lan sang nhiều công ty khác. Ngoài ra, những công nhân mắc bệnh đã lây nhiễm bệnh cho người dân ở khu vực xung quanh. Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia đã phân tích, thảo luận cụ thể về công tác phòng, chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, theo đó đặt ra các vấn đề: Khoanh vùng đã đủ nhanh, đủ kịp, đủ gọn, đủ chặt chưa; năng lực xét nghiệm, tốc độ lấy mẫu, truy vết đáp ứng yêu cầu chống dịch đến đâu; hướng dẫn, trợ giúp từ Trung ương.

“Một trong những khó khăn của Bắc Ninh, Bắc Giang là có lao động làm việc trong các khu công nghiệp sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác, do việc quản lý công nhân, đặc biệt là những trường hợp F2 tại nơi cư trú gặp nhiều khó khăn”, ông Đặng Quang Tấn cho biết.

Đơn cử, ngày 14/5, cán bộ của Cục Y tế dự phòng đã gọi điện thoại kiểm tra xác xuất 66 trường hợp thuộc diện F2 được công bố cách đó 2 ngày thì vẫn còn 22 trường hợp chưa được chính quyền, y tế cơ sở thông tin những người này thuộc diện theo dõi, cách ly tại nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngay lập tức yêu cầu Bộ Y tế tăng cường nhóm tình nguyện viên hỗ trợ thông tin quản lý các trường hợp F2, F3.

Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu, phải nhanh chóng kiện toàn và tái kích hoạt tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia để phân tích thông tin, dữ liệu, ý kiến chuyên gia; thiết lập cơ chế giám sát các đối tượng nhập cảnh, đối tượng cách ly trong suốt quá trình từ khi nhập cảnh đến hết giai đoạn cách ly, theo dõi y tế sau cách ly. Đặc biệt, là xác minh những thông tin khó mà bằng phương pháp truy vết thông thường không giải quyết được.

“Chúng ta cũng phải tăng cường phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa lực lượng công an truy vết ở cơ sở với việc truy vết, theo dõi bằng QR Code, tờ khai y tế điện tử, để hỗ trợ địa phương truy vết, khoanh vùng hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bảo đảm an toàn nơi sản xuất và nơi cư trú

Từ thực tế có khoảng 2.000 người sinh sống ở Hà Nội đang làm việc trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Ban Chỉ đạo yêu cầu chính quyền các tỉnh có khu công nghiệp ghi nhận ca mắc COVID-19 phải thông báo, phối hợp quản lý với các địa phương mà công nhân đang sinh sống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: “Các địa phương chống dịch nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”, gây ách tắc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt  những kỹ sư, công nhân đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác, trong đó có Hà Nội, thì sẽ mang lại nguy cơ dịch bệnh cho nơi cư trú. Trong trường hợp có dịch thì ưu tiên tăng cường xét nghiệm bằng phương pháp, tần suất xét nghiệm phù hợp, bảo đảm an toàn cả nơi sản xuất và nơi cư trú”.

Qua phân tích việc kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các chuyên gia nhận định dù đã khoanh vùng nhanh chóng, kịp thời nhưng năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết nên thời gian dập dịch, kiểm soát dịch bệnh bị kéo dài.

Cụ thể, công suất xét nghiệm của Bắc Giang khoảng 1.500 mẫu/ngày. Tỉnh đã lấy được khoảng 30.000 mẫu, nhưng đến nay vẫn còn khoảng trên 6.000 mẫu chưa có kết quả. Đánh giá cao việc tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ Bắc Giang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế phải có phương án tăng cường năng lực xét nghiệm cho các địa phương.

GS.TS Lê Quang Cường cho biết, hiện có nhiều loại xét nghiệm SARS-CoV-2 khác nhau nên câu hỏi đặt ra là khi nào dùng loại xét nghiệm gì, để đạt được hiệu quả tối đa. Bên cạnh hướng dẫn chung, cần có tổ chuyên môn tư vấn, điều phối, hỗ trợ các tỉnh sử dụng các giải pháp xét nghiệm phù hợp với từng ổ dịch, điểm dịch.

“Bộ Y tế vừa qua đã tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, địa phương để bàn và có hướng dẫn kết hợp các loại xét nghiệm, công nghệ xét nghiệm. Ngoài những vấn đề có tính nguyên tắc, chiến lược về xét nghiệm, khó nhất là phải có các phương án, hướng dẫn cụ thể đối với từng tình huống dịch, lúc nào, ở đâu dùng loại xét nghiệm nào kết hợp với công nghệ nào cho hiệu quả nhất, tránh cực đoan, tuyệt đối hoá xét nghiệm PCR hay sử dụng ồ ạt xét nghiệm nhanh. Nếu chúng ta không hướng dẫn kỹ thì không hiệu quả và gây lãng phí”- các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia lưu ý.

Mỗi người an toàn thì cả nước mới an toàn

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh tất cả các lực lượng chức năng, các địa phương, đặc biệt những địa phương “nóng nhất” trong thời gian qua như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng đã rất tích cực.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù các ổ dịch đang trong tầm kiểm soát nhưng như Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh nhiều lần việc “mầm bệnh đã có trong cộng đồng”, với điều kiện giao lưu, thông thương hiện nay, dịch có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây nhiễm cho bất cứ ai. 

Thực tiễn vừa qua cho thấy, những nơi không thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K đối với cá nhân, an toàn COVID-19 đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đã để xảy ra hậu quả. Do vậy, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nơi nào thực hiện không nghiêm, để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh, dứt khoát phải xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân thực hiện nghiêm khẩu hiệu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, có thói quen sát khuẩn thường xuyên… 

“Có như vậy chúng ta mới kiểm soát được dịch bệnh, khống chế các ổ dịch, không để đến mức phải cách ly xã hộ, không để người tử vong nhiều như các nước. Mỗi người an toàn thì cả nước mới an toàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chiều 14/5, ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 trong các khu cách ly, phong tỏa
Chiều 14/5, ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 trong các khu cách ly, phong tỏa

VOV.VN - Tính từ 12-18h ngày 14/5, cả nước có 60 ca mắc mới COVID-10 (BN3757-3816), gồm 59 ca ghi nhận trong nước và 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa.

Chiều 14/5, ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 trong các khu cách ly, phong tỏa

Chiều 14/5, ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 trong các khu cách ly, phong tỏa

VOV.VN - Tính từ 12-18h ngày 14/5, cả nước có 60 ca mắc mới COVID-10 (BN3757-3816), gồm 59 ca ghi nhận trong nước và 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa.

WHO: Việt Nam đã có khả năng nâng công suất xét nghiệm COVID-19
WHO: Việt Nam đã có khả năng nâng công suất xét nghiệm COVID-19

VOV.VN - Theo WHO, trên thế giới hiện không có một kit test nào đảm bảo 100% chính xác, do vậy, giảm tỷ lệ sai lệch phải đảm bảo chất lượng ngay từ khâu lấy mẫu đến phòng xét nghiệm.

WHO: Việt Nam đã có khả năng nâng công suất xét nghiệm COVID-19

WHO: Việt Nam đã có khả năng nâng công suất xét nghiệm COVID-19

VOV.VN - Theo WHO, trên thế giới hiện không có một kit test nào đảm bảo 100% chính xác, do vậy, giảm tỷ lệ sai lệch phải đảm bảo chất lượng ngay từ khâu lấy mẫu đến phòng xét nghiệm.

Bộ Y tế: Tiêm dịch vụ vaccine COVID-19 là "fake news"
Bộ Y tế: Tiêm dịch vụ vaccine COVID-19 là "fake news"

VOV.VN - Hiện nay, Việt Nam triển khai tiêm vaccine COVID-19 theo Nghị quyết số 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ. Không có tiêm vaccine dịch vụ.

Bộ Y tế: Tiêm dịch vụ vaccine COVID-19 là "fake news"

Bộ Y tế: Tiêm dịch vụ vaccine COVID-19 là "fake news"

VOV.VN - Hiện nay, Việt Nam triển khai tiêm vaccine COVID-19 theo Nghị quyết số 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ. Không có tiêm vaccine dịch vụ.