Rắc rối thủ tục ra, vào TP. Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay

VOV.VN - Như tin đã đưa, ngày 20/9, Sở Y tế Đà Nẵng đã có văn bản hướng dẫn việc ra vào thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Đối với người vào TP. Đà Nẵng cần chuẩn bị giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, chứng minh vào thành phố vì lý do công vụ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động theo quy định của UBND thành phố, những trường hợp cần can thiệp y tế. 

Nếu không thuộc các trường hợp này thì phải có công văn đồng ý của UBND TP. Đà Nẵng.

Đối với người rời khỏi TP. Đà Nẵng, Sở Y tế đề nghị các đơn vị và người dân làm đơn/công văn xin rời khỏi thành phố có xác nhận của UBND xã, phường đang lưu trú, gửi đến UBND thành phố để được xem xét, giải quyết và có văn bản phản hồi và thông tin cho địa phương nơi đi.

Ngay sau khi ban hành văn bản này, nhiều người dân cho rằng, các quy định của Sở Y tế TP. Đà Nẵng quá nhiêu khê, gây khó cho người dân.

Sáng 22/9, sau hơn một ngày Sở Y tế TP. Đà Nẵng ban hành văn bản hướng dẫn người dân ra, vào thành phố trong giai đoạn hiện nay, tại chốt kiểm soát dịch Hòa Phước, trên Quốc lộ 1A ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng nhiều nhóm người từ Quảng Nam với đống giấy tờ trên tay ngán ngẫm nhìn vào thành phố.

Một công nhân xin giấu tên, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, anh làm việc tại Công ty Minh Thành Trung, TP. Đà Nẵng, anh bị kẹt ở quê hơn 2 tháng rưỡi rồi. Nay đọc thấy văn bản của Sở Y tế Đà Nẵng hướng dẫn các bước thủ tục vào thành phố làm việc, anh thử đem giấy đi đường của Công ty cấp xin vào thành phố làm việc nhưng bị từ chối: "Mình xin giấy rồi nhưng các chốt không cho qua được. Còn thủ tục thì rất khó, rất nhiều thao tác. Mình làm công nhân, chạy đi chạy lại không thể được, rất mệt".

Còn chị Dương Thị Lý, ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam than phiền, Công ty chị đã cấp Giấy đi đường. Chị cũng được UBND xã Duy Thành chứng nhận, lên Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không thể nào thực hiện được 5 bước thủ tục vào TP. Đà Nẵng theo quy định của Sở Y tế thành phố.

"Công ty ngoài đó hoạt động rồi họ xin giấy đi đường rồi. Em đi gần 40 cây số ra đây, sau khi đã xin giấy UBND xã ký, Sở Y tế ký rồi nhưng không cho đi. Tại vì em mới ra tới đây, phải ra ngoài đó mới xin thủ tục được chứ. Giấy của Sở Y tế cấp, xã ký chứng nhận, rút cuộc cũng không cho ra. Còn xin giấy vô TP. Đà Nẵng thì dễ chi xin được, bởi xin Chủ tịch UBND thành phố ký, mà làm sao từ Quảng Nam lên gặp được Chủ tịch thành phố xin chữ ký", chị Lý nói.

Từ 21/9, Đà Nẵng cho phép công dân được ra, vào thành phố. Tuy nhiên, người dân phải thực hiện ít nhất 3-5 bước thủ tục với nhiều quy định khắt khe, đủ các loại giấy chứng nhận, văn bản hành chính... từ cấp xã phường, quận huyện, thậm chí đến UBND thành phố thì mới được đi và đến thành phố này.

Theo văn bản của Sở Y tế TP. Đà Nẵng, muốn vào thành phố này, người dân và các đơn vị thực hiện các bước sau: chuẩn bị sẵn các giấy tờ (được cơ quan có thẩm quyền xác nhận) chứng minh vào TP. Đà Nẵng vì lý do công vụ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, làm việc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động theo quy định của UBND thành phố, những trường hợp cần can thiệp y tế.

Các trường hợp còn lại, muốn vào Đà Nẵng phải có công văn đồng ý của Chủ tịch UBND thành phố. Tiếp đến, tại chốt kiểm soát dịch liên ngành cửa ngõ ra, vào Đà Nẵng, người dân phải khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và cung cấp giấy tờ như quy định trên.

Nếu đến từ địa phương không có dịch, người dân phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi đi. Nếu từ TP. Đà Nẵng đến các địa phương không có dịch và quay trở về thì cung cấp công văn đồng ý cho phép rời khỏi thành phố...

Khi đã vào được Đà Nẵng, những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 đến/về từ các khu vực có dịch COVID-19, từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16... thì phải có đủ các loại giấy tờ chứng nhận, nhưng vẫn phải cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm 4 lần.

Đối với người muốn vào thành phố, các bước thủ tục và quy định ngặt nghèo đã đành. Nhưng, người dân muốn rời khỏi Đà Nẵng, cũng phải thực hiện đến... 5 bước thủ tục.

Đọc tới đọc lui văn bản hướng dẫn này, thấy phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ bắt buộc để vào, ra Đà Nẵng, nhiều người ngao ngán. Anh Nguyễn Phú Tam, ở thôn Trung Nghĩa Đông, xã Kroong, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum bị kẹt lại ở Tổ dân phố 39, phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu đã hơn 2 tháng nay. Bây giờ, nghe thành phố cho phép rời thành phố, anh đã xin chính quyền tỉnh Kon Tum cho về. Phía thành phố Kon Tum đã đồng ý tiếp nhận, anh Nguyễn Phú Tam làm thủ tục qua tổ dân phố xác nhận rồi đem đơn lên phường nơi lưu trú xin xác nhận nhưng phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu không chịu xác nhận.

"Ra phường thì phường thì phường chưa chịu ký. Họ nói chỉ cầm cầm Chứng minh nhân dân lên UBND thì thành phố cấp giấy đi đường. Trong khi, trong quy định thì họ nói là phường phải ký, phường phải xác nhận. Xác nhận lên thì gửi lên Ủy ban ở số 24 Trần Phú (Trung tâm Hành chính thành phố) Thủ tục xin rời thành phố quá khó khăn", anh Tam nói.

Ông Nguyễn Hà Nam, Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng cho biết, khi Sở Y tế có văn bản quy định người dân phải làm thủ tục lên UBND thành phố nên ngày 21/9, người dân gửi đơn đến Văn thư Trung tâm Hành chính thành phố rất nhiều, gây áp lực rất lớn.

Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, người ký văn bản hướng dẫn công dân ra vào thành phố Đà Nẵng giải thích: "Văn bản này Sở làm theo văn bản 5317 của UBND thành phố đã hướng dẫn. Đây là làm theo văn bản của UBND thành phố đã thực hiện. Nhưng văn bản của Sở Y tế hướng dẫn chi tiết hơn, nêu rõ các bước người dân cần thực hiện khi vào ra thành phố theo các quy định".

Một văn bản hướng dẫn vừa ban hành đã gây nhiều rắc rối cho người dân. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng nên xem xét việc Sở Y tế ban hành văn bản này liệu có đúng thẩm quyền lẫn nội dung thực hiện?. Nếu có vi phạm trình tự, thủ tục, nội dung ban hành cũng cần xử lý nghiêm trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị ban hành văn bản gây khổ cho người dân!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không thể xóa sổ Covid-19 nhưng vẫn có “chìa khóa” để kết thúc đại dịch
Không thể xóa sổ Covid-19 nhưng vẫn có “chìa khóa” để kết thúc đại dịch

VOV.VN - Covid-19 không thể bị xóa sổ nhưng giống như các đại dịch khác trong lịch sử, đại dịch này sẽ kết thúc một ngày nào đó, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận và hành vi của chúng ta.

Không thể xóa sổ Covid-19 nhưng vẫn có “chìa khóa” để kết thúc đại dịch

Không thể xóa sổ Covid-19 nhưng vẫn có “chìa khóa” để kết thúc đại dịch

VOV.VN - Covid-19 không thể bị xóa sổ nhưng giống như các đại dịch khác trong lịch sử, đại dịch này sẽ kết thúc một ngày nào đó, tùy thuộc vào mức độ chấp nhận và hành vi của chúng ta.

Người Hà Nội đã sớm “ngủ quên” trước dịch Covid-19
Người Hà Nội đã sớm “ngủ quên” trước dịch Covid-19

VOV.VN - Một bộ phận người dân sớm có tâm lý chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cảnh tượng dân đổ ra chật kín phố phường vui chơi khi Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị 15 khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

Người Hà Nội đã sớm “ngủ quên” trước dịch Covid-19

Người Hà Nội đã sớm “ngủ quên” trước dịch Covid-19

VOV.VN - Một bộ phận người dân sớm có tâm lý chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cảnh tượng dân đổ ra chật kín phố phường vui chơi khi Hà Nội vẫn đang thực hiện Chỉ thị 15 khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

Làm thế nào để giữ ngọn lửa tình yêu cho cuộc hôn nhân đã dài 10 năm?
Làm thế nào để giữ ngọn lửa tình yêu cho cuộc hôn nhân đã dài 10 năm?

VOV.VN - Bạn có gặp khó khăn trong việc kết nối với người ấy của mình không? Cho dù bạn đã ở bên nhau hàng thập kỷ hay chỉ vài tháng, điều quan trọng là hai người phải luôn cố gắng giữ gìn cho ngọn lửa tình yêu tồn tại mãi mãi.

Làm thế nào để giữ ngọn lửa tình yêu cho cuộc hôn nhân đã dài 10 năm?

Làm thế nào để giữ ngọn lửa tình yêu cho cuộc hôn nhân đã dài 10 năm?

VOV.VN - Bạn có gặp khó khăn trong việc kết nối với người ấy của mình không? Cho dù bạn đã ở bên nhau hàng thập kỷ hay chỉ vài tháng, điều quan trọng là hai người phải luôn cố gắng giữ gìn cho ngọn lửa tình yêu tồn tại mãi mãi.