Rét đậm rét hại kéo dài làm gia tăng tình trạng nhập viện
VOV.VN - Không khí lạnh kéo dài ở miền Bắc cùng với những đợt rét đậm, rét hại liên tiếp được bổ sung khiến nền nhiệt xuống thấp đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt, tại một số bệnh viện, tình trạng người già và trẻ nhỏ nhập viện có xu hướng gia tăng.
Tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang, từ sau Tết, số bệnh nhân cao tuổi nhập viện vì đột quỵ có xu hướng tăng từ 10-20%. Thậm chí có những ngày bệnh viện tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân nhập viện.
BSCK II Đoàn Văn Phúc- Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, thời tiết lạnh kéo dài, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến gia tăng nguy cơ đột quỵ nhất là ở những người cao tuổi mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường.
"Đột quỵ tại sao nó lại có mùa, và mình đưa ra được cảnh báo bởi vì đặc biệt với những bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp thì mùa rét các cụ nằm trong chăn ấm, nhưng gần sáng các cụ tung chăn đi vệ sinh thì lúc đấy độ nhớt của máu nó cao gây tăng huyết áp, cộng với việc đi từ giường ra nhà vệ sinh thời tiết lạnh gây co mạch não gây tăng huyết áp, cùng với đó buổi sáng chưa có sự kiểm soát của thuốc. Thì 3 cái đó nó làm cho bệnh nhân tăng huyết áp và gây ra đột quỵ", bác sỹ Đoàn Văn Phúc nói.
Tình trạng bệnh nhân nhập viện tăng do đột quỵ chảy máu não cũng được ghi nhận ở nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Tại Bệnh viện E, từ đầu tháng 2 đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện do tai biến cũng tăng từ 10-15%, chủ yếu là người cao tuổi.
Còn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những ngày này, Khoa Đột quỵ của bệnh viện thường tiếp nhận từ 4-5 ca bệnh. Số bệnh nhân đột quỵ vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 cũng tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Đột quỵ của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 5 trường hợp nhập viện, đa số diễn tiến nặng. Các bác sĩ cho biết, thời tiết lạnh mặc dù không tác động trực tiếp gây đột quỵ, nhưng khi nhiệt độ xuống thấp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ do tình trạng tăng huyết áp đột ngột.
Cùng với đó, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và trên não, gọi là hiện tượng trung tâm hoá tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, gây ra xuất huyết não.
PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhấn mạnh: “Trời lạnh gây co mạch, sẽ gây tăng huyết áp, gây nguy cơ tăng đột quỵ. Chúng ta biết rằng cứ tăng 5mm thủy ngân thì sẽ tăng 7% tỷ lệ đột quỵ, tai biến, tử vong".
Không chỉ người cao tuổi, liên tiếp những ngày qua, trời rét đậm kéo dài cũng khiến nhiều trẻ nhỏ nhập viện. Số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, những ngày rét đậm, số trẻ được gia đình đưa tới khám và nhập viện có ngày lên đến 2.000 trường hợp. Còn tại Khoa nhi của các bệnh viện như Bạch Mai, Xanh Pôn… số trẻ tới khám và nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại gây ra cũng tăng. Trong đó thời tiết lạnh khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19.
Dự báo thời gian tới, mưa rét còn kéo dài, các bác sĩ khuyến cáo người cao tuổi và trẻ nhỏ cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, bảo vệ sức khỏe của chính mình để không phải nhập viện khi tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, để phòng ngừa tai biến, đột quỵ, theo khuyến cáo của các bác sĩ: Người cao tuổi cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột./.