Tâm lý “ai rồi cũng là F0” và những ẩn hoạ khôn lường
VOV.VN - “Ai rồi cũng là F0”, “F0 sớm, khỏe sớm” là tâm lý của không ít người trong thời gian gần đây khi mà số ca nhiễm mỗi ngày một tăng cao…
Thay vì tâm lý nặng nề, thậm chí là hoảng sợ như trước đây, đến thời điểm này, nhiều người đã và đang là F0 đã có cái nhìn tích cực, lạc quan về dịch bệnh, để giữ cho tinh thần thoải mái, sớm phục hồi lại sức khoẻ. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực, lạc quan… thì cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, đặc biệt là tâm lý “ai rồi cũng trở thành F0”, ở một bộ phận không nhỏ người dân. Thậm chí, trên mạng xã hội, các bạn trẻ còn gọi F0 hiện nay là xu hướng và thay vì né tránh F0 thì nhiều bạn lại quay ra "tẩy chay F1".
Theo ghi nhận của VOV2, không ít các gia đình có người nhiễm bệnh đều có tâm lý, sống chung một nhà thì rất khó tránh việc lây nhiễm chéo nên trong quá trình tự điều trị, cách ly tại nhà, mọi người thoải mái không dùng khẩu trang để cùng bị bệnh, cùng điều trị và cùng khỏi bệnh trong một khoảng thời gian nhất định.
Thực tế, nhiều người chủ quan cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vaccine sẽ miễn nhiễm với Covid-19. Cùng với đó, hiện nay tỷ lệ F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ đang chiếm tỉ lệ cao. Đây chính là nguyên nhân khiến mọi người cho rằng Covid-19 không còn quá nguy hiểm nữa, từ đó buông xuôi, thả lỏng việc phòng dịch.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, tâm lý chủ quan sẽ dẫn đến những ẩn họa khôn lường, cho cộng đồng và cho chính bản thân mỗi người. "Ví dụ như sẽ dẫn đến số lượng ca nhiễm lan nhanh trên diện rộng, virus sẽ có cơ hội nhân lên, nguy cơ xảy ra biến thể mới nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều lần", ông Hùng nhấn mạnh.
Lạc quan, thoải mái tinh thần để phòng chống dịch khác xa với chủ quan, buông xuôi. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân vẫn cần cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Đặc biệt là hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 trong trạng thái bình thường mới./.