Tháng 7 về thăm Chiến khu Đ “Miền Đông gian lao mà anh dũng”

VOV.VN - Tháng 7 hàng năm, những người đang sống trong hòa bình thường về những di tích lịch sử gắn với những cuộc cách mạng hào hùng của dân tộc ta để tưởng nhớ và tri ân thế hệ cha anh đã chiến đấu, đóng góp công sức, xương máu và cả sự hy sinh cho độc lập, tự do, hòa bình của đất nước.

 

Di tích lịch sử Chiến khu Đ – nơi gắn liền với tên gọi “Miền Đông gian lao mà anh dũng” là một trong những điểm đến như thế.

Bao giờ cũng vậy, với mỗi đoàn khách tới di tích Chiến khu Đ, chị Nguyễn Thị Thủy, hướng dẫn viên của di tích, đều đưa khách vào thắp hương, dành một phút tưởng niệm trước các liệt sỹ đã hy sinh, rồi mới bắt đầu chương trình tham quan. 

Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên, chị Thủy cho biết, bản thân rất tự hào, vinh dự khi được làm việc tại di tích lịch sử được coi là cái nôi của cách mạng miền Nam. Đối với vùng đất này, chị Thủy có cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh của thế hệ cha anh khi đánh đổi thanh xuân cho đất nước hòa bình.

Chiến khu Đ từng được mệnh danh vùng đất lửa, đi qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chị Thủy kể, đây là nơi có nhiều câu chuyện vô cùng xúc động khi có những chiến sỹ tuổi đời còn rất trẻ nhưng đến lúc ra đi vẫn còn giữ vững lý tưởng cao đẹp.

Đó là vào năm 1966, trong Ban thông tin liên lạc 505 có chiến sỹ Phạm Văn Xem, lúc đó chỉ mới đôi mươi, bị thương nặng trong trận tập kích đánh địch, máu ra rất nhiều. Khi các y bác sỹ tới băng bó vết thương, anh Xem nói hãy dùng số bông băng đó để cho những người nhẹ hơn, còn anh thì không qua khỏi được. Anh còn nhờ lấy tiền sinh hoạt phí tháng 3, đóng giùm đảng phí tháng 3. 

 

Tiếp lời, chị Thủy kể khi đó, các y bác sỹ động viên anh Xem cố gắng để đến dân y viện, các y bác sỹ sẽ cố gắng cứu chữa. Tuy vậy, anh Xem một lần nữa nhắc lại, nói với tiểu đội của tôi, lấy tiền sinh hoạt phí…Nói tới đó, anh trút hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn nằm lại giữa đại ngàn Chiến khu Đ. Sau khi hòa bình lập lại, mãi tới năm 2015, đồng đội mới tìm được hài cốt của anh và đưa về quê an táng.

Một điểm đặc biệt của di tích Chiến khu Đ là nơi có khu nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà được gọi với tên “Nghĩa trang không bia mộ”. Bởi tại đây có 70 phần mộ liệt sỹ nhưng chỉ có 5 ngôi mộ có tên. Một trong số đó là của liệt sỹ Nguyễn Sĩ Việt (1950-1969), quê ở Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Liệt sỹ Việt hy sinh tại Chiến khu Đ. Chị Thủy kể: "Hòa bình lập lại, có giấy báo tử gửi về cho mẹ nhưng mẹ không tin, bởi vì mẹ nghĩ con của mình vẫn còn sống nên mẹ chờ con trở về. Sau này thì tìm thấy được hài cốt của anh".

Năm 2013, khi gia đình tìm đươc hài cốt tại một phần đất nằm ven suối. Hài cốt liệt sỹ Nguyễn Sĩ Việt được đưa về quê an táng, gia đình gửi lại một di ảnh tại Nghĩa trang Mã Đà.

Thế hệ trẻ tự hào với lịch sử cách mạng hào hùng

Nói về nghĩa trang đặc biệt tại Chiến khu Đ, chị Thủy kể, năm 1962, sau khi cơ quan Trung ương cục miền Nam chuyển lên Tây Ninh thì căn cứ Mã Đà là nơi đứng chân của Quân y viện K72 và quân chủ lực miền, trong đó có Sư đoàn 9 là sư đoàn chủ lực. Chỉ tính riêng Sư đoàn 9, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có khoảng 12 vạn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong khu vực khoảng 2ha của rừng Mã Đà.

Bệnh xá K72 cũng có rất nhiều chiến sỹ bị sốt rét ác tính không qua khỏi, được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà. Do đó, mặc dù có 70 mộ phần tại đây nhưng thực tế đã có hàng ngàn liệt sỹ hy sinh trên khắp mặt trận miền Đông Nam bộ đã nằm lại tại đây. “Nghĩa trang không bia mộ” bởi tên của các liệt sỹ đã hòa chung vào tên đất nước. Đến nay chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu chiến sỹ đã nằm xuống vùng đất linh thiêng Mã Đà.

Sau khi được nghe kể về những câu chuyện lịch sử, bầu không khí của nhóm khách tham quan của đơn vị trực thuộc Công ty CMC Global cũng trở nên trang nghiêm, thành kính hơn. Hầu hết các bạn trẻ có tuổi đời chỉ mới 24, 25 nên khi trở về nguồn tại Chiến khu Đ mới được biết thêm về những công lao, sự hy sinh anh dũng của thế hệ trước để có hòa bình, độc lập ngày hôm nay.

Anh Nguyễn Thành Trung bày tỏ: "Tôi rất xúc động, như chúng tôi là những người khi sinh ra đất nước đã thời hòa bình, khi được nghe những câu chuyện lịch sử, trong lòng cũng thấy rất cảm ơn những anh hùng đã chiến đấu, hy sinh vì đất nước".

Chia sẻ về chuyến đi về nguồn, anh Nguyễn Thế Doanh - Giám đốc đơn vị trực thuộc Công ty CMC Global cho biết: "Công ty hiện có rất nhiều các bạn trẻ thuộc thế hệ 9x, có những bạn sinh năm 2000. Do đó, chuyến đi là cơ hội để các bạn trẻ thăm vùng đất thiêng Mã Đà, tìm hiểu thêm về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và phần nào khơi gợi lên tinh thần tiếp bước truyền thống cách mạng".

Nói về kỷ niệm đối với di tích lịch sử Chiến khu Đ, ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó giám đốc Trung tâm sinh thái, văn hóa lịch sử Chiến khu Đ cho biết: Trước đây khi có dịp trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ông Nam từng đặt câu hỏi mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng các di tích là gì? Khi đó, câu trả lời mà ông nhận được là: Xây dựng các di tích lịch sử này không phải để khơi gợi lại những vết thương do chiến tranh, mà để những người trẻ- thế hệ sẽ lèo lái con thuyền đất nước, khi về đây họ có dịp chiêm nghiệm, cảm nhận về quá khứ hào hùng và cũng đầy bi tráng của lịch sử dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày một phát triển giàu mạnh. Để có được thành quả hôm nay, một thế hệ đã mãi mãi nằm xuống tại vùng đất Chiến khu Đ. Hàng ngàn liệt sỹ không có tên riêng nhưng đã trở thành huyền thoại, làm rạng danh non sông đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thông điệp hòa bình trong khu vườn kỷ vật chiến tranh
Thông điệp hòa bình trong khu vườn kỷ vật chiến tranh

VOV.VN - Vốn có sở thích sưu tầm vỏ bom, đạn làm đồ trang trí, sau nhiều năm, cựu chiến binh Trần Văn Quận, ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình sở hữu hàng trăm loại vỏ bom.

Thông điệp hòa bình trong khu vườn kỷ vật chiến tranh

Thông điệp hòa bình trong khu vườn kỷ vật chiến tranh

VOV.VN - Vốn có sở thích sưu tầm vỏ bom, đạn làm đồ trang trí, sau nhiều năm, cựu chiến binh Trần Văn Quận, ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình sở hữu hàng trăm loại vỏ bom.

Đà Nẵng tổ chức Triển lãm lưu động với chủ đề “Ký họa chiến trường Khu V”
Đà Nẵng tổ chức Triển lãm lưu động với chủ đề “Ký họa chiến trường Khu V”

VOV.VN - Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang tổ chức triển lãm lưu động với chủ đề “Ký họa chiến trường Khu V” nhân  kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022).

Đà Nẵng tổ chức Triển lãm lưu động với chủ đề “Ký họa chiến trường Khu V”

Đà Nẵng tổ chức Triển lãm lưu động với chủ đề “Ký họa chiến trường Khu V”

VOV.VN - Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Linh, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang tổ chức triển lãm lưu động với chủ đề “Ký họa chiến trường Khu V” nhân  kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022).