Thi công điện mặt trời “phá nhầm” hơn 5 héc ta rừng phòng hộ ven biển ở Bình Định

VOV.VN - Người dân xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định liên tục phản ánh việc doanh nghiệp thi công dự án nhà máy điện mặt trời “phá” rừng phòng hộ ven biển. Chính quyền huyện Phù Mỹ đã kiểm tra, xác nhận đơn vị thi công đã san lấp “phá nhầm” hơn 5,2 héc ta ngoài ranh giới đất dự án.

San lấp “phá nhầm” hơn 5,2 héc ta rừng phòng hộ ven biển

Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ công suất 330 MWp, gồm 3 nhà máy: Phù Mỹ 1 công suất 120 MWp, Phù Mỹ 2 công suất 110 MWp và Phù Mỹ 3 công suất 100 MWp. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý và được UBND tỉnh Bình Định cho thuê đất với tổng diện tích hơn 320 héc ta. Giai đoạn 1 dự án triển khai trên diện tích gần 130 héc ta; giai đoạn 2 triển khai trên diện tích hơn 190 héc ta. Giai đoạn 1 Công ty này đã hoàn thành đóng điện và đưa vào vận hành tháng 12/2020, tổng công suất 3 nhà máy hơn 216 MWp. Hiện nay, đơn vị đang triển khai giai đoạn 2 thì xảy ra sự việc phá rừng phòng hộ khiến người dân địa phương bức xúc.

Trong quá trình chuẩn bị mặt bằng thi công phần diện tích đất giai đoạn 2 tại Nhà máy Phù Mỹ 1 thuộc địa bàn xã Mỹ An, huyện Phỳ Mỹ, tỉnh Bình Định, các đơn vị thi công đã san ủi hơn 5,2 héc ta rừng phòng hộ nằm ngoài ranh giới được cho thuê đất. Sau khi người dân địa phương lên tiếng phản ứng, UBND huyện Phù Mỹ thành lập đoàn kiểm tra phối hợp với chính quyền địa phương và các phòng, ban vào cuộc kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp dừng thi công.

Ông Lê Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, đoàn kiểm tra đã đo đạc, xác định diện tích rừng phi lao bị chặt phá khoảng 5,26 héc ta vượt ra ngoài mốc tọa độ của dự án:  “Sau khi mà nhận thông báo, UBND xã đã xuống hiện trường kiểm tra, báo cáo với huyện. UBND huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên môi trường phối hợp Ban quản lý rừng phòng hộ xã xác định lại diện tích mà công ty đã lấn chiếm bao nhiêu để có biện pháp xử lý”.

Ngày 10/9/2021, UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan để xác định có diện tích lấn chiếm của doanh nghiệp này. Theo ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, phần lớn diện tích rừng bị phá là rừng phòng hộ ven biển khoảng 10 năm tuổi. Ban đầu doanh nghiệp này chối quanh và không thừa nhận và cho rằng đang thi công trong phần diện tích đã được cấp phép. Doanh nghiệp này lý giải nguyên nhân do nhiều lần đổi chủ đầu tư và thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 nên cũng thay đổi liên tục đơn vị thi công, không nắm rõ mốc tọa độ đã giao. Mặt khác, chủ đầu tư cũng thiếu kiểm tra, giám sát thi công nên đã xảy ra tình trạng san ủi phá sang rừng phòng hộ.

Ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch còn gần 12 héc ta đất rừng đã được cấp nhưng không thi công mà lại thi công nhầm sang rừng phòng hộ. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị được hoán đổi lấy hơn 5ha rừng đã “trót phá” và đổi trả lại địa phương gần 12 héc ta đất rừng còn nguyên chưa phá. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp phải tạm dừng thi công, việc xử lý hậu quả cuối cùng sẽ do lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định quyết định.

Nhầm lẫn do dự án lớn?

Ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết: “Bước đầu xác định bị nhầm lẫn cho nên cũng phải xem điều kiện khách quan hay chủ quan, tại dự án này lớn quá mà làm nhiều năm, từ 2018 đến bây giờ. Bây giờ doanh nghiệp xin trả 12 héc ta kia kiểu như hoán đổi. Diện tích kia doanh nghiệp chưa thi công, rừng còn nguyên trả lại, mặc dù diện tích đó doanh nghiệp cũng đã thuê đất, đã nộp tiền khắc phục môi trường rồi quỹ tái tạo rừng. Tôi đang làm báo cáo trong tuần sẽ báo cáo UBND tỉnh”.

Trước việc đơn vị thi công dự án nhà máy điện mặt trời “phá” rừng phòng hộ ven biển, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo, giao Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ và các đơn vị liên quan tiến hành đo đạc, xác minh lại thông tin để đề xuất hướng xử lý, khắc phục. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Bây giờ UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Giờ chờ kết quả thôi. Sở NN-PTNT cũng đang chờ Hạt kiểm lâm họ làm việc, phối hợp với huyện Phù Mỹ chờ kết quả xử lý như thế nào"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng chết khô do xây đê biển, đắp đập?
Rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng chết khô do xây đê biển, đắp đập?

VOV.VN - Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước.

Rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng chết khô do xây đê biển, đắp đập?

Rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng chết khô do xây đê biển, đắp đập?

VOV.VN - Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước.

Tan hoang rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh
Tan hoang rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

VOV.VN - Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại nhiều xã vùng biển của huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đang bị sóng biển đánh tan hoang.

Tan hoang rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Tan hoang rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

VOV.VN - Nhiều diện tích rừng phòng hộ tại nhiều xã vùng biển của huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) đang bị sóng biển đánh tan hoang.

Tiền Giang: Nguy cơ “xóa sổ” rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công
Tiền Giang: Nguy cơ “xóa sổ” rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công

VOV.VN -Chỉ tại khu vực xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, đã có hàng chục điểm bị sạt lở rừng phòng hộ.

Tiền Giang: Nguy cơ “xóa sổ” rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công

Tiền Giang: Nguy cơ “xóa sổ” rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công

VOV.VN -Chỉ tại khu vực xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, đã có hàng chục điểm bị sạt lở rừng phòng hộ.