TP.HCM, Hậu Giang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn do Covid-19
VOV.VN - Chia sẻ khó khăn trong dịch, TP.HCM và Hậu Giang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người dân khó khăn trong dịch Covid-19
TP.HCM hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 thông qua Cổng 1022
Theo phóng viện Trịnh Giang/VOV-TPHCM, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP đã triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19” qua Cổng thông tin 1022, bắt đầu hoạt động từ 20h tối 22/7.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, việc đưa vào hoạt động “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19” thông qua Cổng thông tin 1022 hướng đến mục tiêu giúp đỡ, tạo thuận tiện cho người dân khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có thể được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Từ 20h hôm nay (22/7), khi gặp khó khăn do Covid-19, người dân có thể gọi số 1022 - nhấn phím 2 để cung cấp thông tin và đề nghị được hỗ trợ.
Các thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà Cổng 1022 tiếp nhận bao gồm: thông tin về bản thân, gia đình hoặc hàng xóm, những người xung quanh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm. Người dân cũng có thể thông tin về bản thân hoặc gia đình người dân thuộc đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương và TP.HCM nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Khi gặp các trường hợp người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ,… người dân cũng có thể liên hệ Cổng 1022 để cung cấp thông tin.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, mọi thông tin liên quan tới công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 sẽ được Cổng thông tin 1022 chuyển đến UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý trong thời gian nhanh nhất. Hội đồng nhân dân TP và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM sẽ giám sát việc hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn của các đơn vị. Đồng thời, Cổng thông tin 1022 sẵn sàng tiếp nhận 24/7 những thông tin, phản ánh của người dân trên địa bàn TP.HCM về các vấn đề liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Trước đó, ngày 19/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có thư kêu gọi toàn thể đồng bào, các vị nhân sĩ trí thức, chức sắc các tôn giáo cùng cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn chung sức, đồng lòng, đoàn kết để cùng nhau vượt qua gia đoạn khó khăn này để chiến thắng dịch bệnh. Việc triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19” qua Cổng thông tin 1022 nhằm hiện thực hóa một trong những giải pháp của TP.HCM nhằm đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
TP.HCM tổ chức 77 điểm bán rau, thịt tại các chợ truyền thống đóng cửa
Theo phóng viên Lệ Hằng/VOV-TPHCM, ngày 22/7, TP.HCM tổ chức 77 điểm bán rau, thịt tại các chợ truyền thống đang bị đóng cửa và tổ chức 87 lượt xe bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện.
Theo Sở Công thương TP.HCM, với hình thức tổ chức bán hàng này, riêng hôm nay các đơn vị và tiểu thương đã cung cấp cho người dân thành phố 19 tấn thực phẩm các loại như: Rau củ quả, thịt heo, gà, đồ khô… và 14.000 quả trứng. Các điểm bán hàng lưu động này do Sở Công thương thành phố và Viettel Post tổ chức tại các Quận: 1, 7, 8, Tân Bình, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Củ Chi và TP.Thủ Đức. Từ ngày 11/7 đến nay, thành phố đã có gần 800 điểm bán lưu động gồm 866 lượt xe bán hàng, với 415 tấn thực phẩm các loại, 120.700 quả trứng.
Riêng các điểm bán rau được tổ chức tại các chợ truyền thống thống đang bị đóng cửa, tiểu thương tham gia bán rau, thịt… đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Các điểm hàng bán này thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế dưới sự quản lý, kiểm soát của Ban quản lý chợ và chính quyền địa phương. Người mua xếp hàng, giữ khoảng cách theo quy định, đi trong luồng căng dây và chỉ đi một chiều. Các loại rau, thịt được chia sẵn từng phần trong túi nhỏ, người mua đến lấy và đi ngay, hạn chế tiếp xúc.
Trong ngày hôm nay, huyện Hóc Môn cũng tổ chức cho 9 tiểu thương bán các mặt hàng thịt tươi sống, rau xanh, củ quả ở chợ truyền thống Hóc Môn. Tính đến nay, TP.HCM có 32/234 chợ truyền thống còn hoạt động; 12 quận, huyện và TP. Thủ Đức đã đóng cửa hoàn toàn chợ truyền thống trên địa bàn.
Hậu Giang hỗ trợ người dân trong vùng cách ly thu hoạch lúa Hè Thu
Theo phóng viên Tấn Phong/VOV-ĐBSCL, hôm nay 22/7, ông Trần Chí Hùng- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh Hậu Giang đang có kế hoạch hỗ trợ người dân trong vùng cách ly y tế tại 2 xã Thuận Hòa và Xà Phiên, huyện Long Mỹ thu hoạch lúa Hè Thu.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đề ra giải pháp là sẽ vận động người thân của các hộ dân đang ở trong vùng cách ly y tế và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đứng ra thu hoạch lúa Hè thu giúp bà con. Bên cạnh đó, đối với các trường hợp làm dịch vụ máy gặt đập liên hợp, nếu có test nhanh cho kết quả âm tính thì cũng sẽ được vào thu hoạch lúa. Sau khi lúa thu hoạch xong sẽ bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái.
Trước đó để phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 khi phát hiện có các trường hợp dương tính, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hậu Giang quyết định thiết lập 3 vùng cách ly y tế trên địa bàn xã Thuận Hòa và xã Xà Phiên và hiện nay vẫn tiếp tục duy trì, dù toàn tỉnh đã thực hiện theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ,
3 vùng cách ly y tế gồm: Toàn bộ ấp 1, xã Thuận Hòa; toàn bộ ấp 8 và 1 phần ấp 3, xã Xà Phiên với tổng số 888 hộ dân, có 3.269 nhân khẩu.
Do ở trong vùng cách ly y tế nên các hộ dân này không thể ra đồng thu hoạch lúa Hè thu được. Theo thống kê tổng diện tích lúa cần thu hoạch giúp bà con khoảng 700ha, với sản lượng ước đạt 4.550 tấn./.