VOV.VN - Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả kinh tế, xã hội TP.HCM quý 1 và kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khoá X diễn ra chiều nay (7/4), Sở Giao thông vận tải TP.HCM khẳng định việc thu phí cảng biển có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn.
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, cơ sở pháp lý là Luật phí và lệ phí năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 có phí này. Thực tiễn là từ năm 2017, nhiều địa phương trong nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn…đã tổ chức thu phí cảng biển.

Theo ông Phan Công Bằng, khi lập đề án này, TP.HCM đã đánh giá rất kỹ, có hội đồng nghiên cứu các mặt thuận lợi và không thuận lợi; lấy ý kiến các Hiệp hội, Uỷ ban MTTQ và ý kiến nhân dân qua các cơ quan truyền thông…
Ông Phan Công Bằng khẳng định lại, mục tiêu không phải là thu phí để tăng thêm tiền mà để tái đầu tư các dự án hạ tầng ở xung quanh các cảng. Cụ thể hiện nay, công suất các cảng tại TP đã vượt quy hoạch. Năm 2021, lượng hàng hoá qua các cảng tại TP là 161 triệu tấn (vượt 40%), trong đó cảng Cát Lái vượt 100% quy hoạch... Trong khi đó hạ tầng giao thông kết nối chưa đảm bảo theo quy hoạch, đường Nguyễn Thị Định lộ giới quy hoạch là 60m nhưng mới đầu tư 35m; Vành đai 2 đoạn 1, 2 chưa làm được, đoạn 3 làm theo hình thức BT cũng tạm ngưng… những điều trên dẫn đến chi phí logistic tăng.
Để giảm chi phí này, TP.HCM phải đầu tư hạ tầng giao thông cả đường thuỷ và đường bộ và số tiền thu được sẽ dùng để nâng cấp hạ tầng giao thông. Hiện nay phương tiện từ Cảng Cát Lái muốn ra hướng Bình Dương, Đồng Nai thì phải đi theo lộ trình Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội. Lộ trình này rất dài, tốc độ chậm và do đi trong đường đô thị nên rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Và nếu dùng số tiền thu phí cảng biển đầu tư vào hạ tầng sẽ giúp cho việc di chuyển được rút ngắn, container có thể xoay vòng 2, 3 lần/ngày thay vì một lần như hiện nay.
"Nếu lấy thu phí đầu tư cho Vành đai 2 ra nút giao Mỹ Thuỷ chúng ta sẽ đi một vòng Vành đai 2 lên nút giao Gò Dưa là khoảng 15km với tốc độ khi chiều rộng quy hoạch 67m thì lưu thông rất nhanh" - ông Phan Công Bằng nói và cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, HĐND TP cũng đã hai lần hoãn thu phí cảng biển này với số tiền 2.205 tỷ đồng.
Được biết, TP.HCM tổ chức thu phí cảng biến từ ngày 1/4 và hệ thống thu phí hoạt động ổn định thông suốt, đảm bảo doanh nghiệp tác nghiệp trên hệ thống và không có việc ùn tắc ở các cửa ngõ, các cảng. Theo thống kê đến ngày 4/4 đã có tổng cộng 6.780 doanh nghiệp tham gia đăng ký nộp phí với hơn 16.500 tờ khai. TP.HCM đã thu hơn 11,9 tỷ đồng trên tổng số hơn 26,2 tỷ đồng phải thu (trong đó thu phí trong địa bàn TP là hơn 4,5 tỷ đồng, thu phí ngoài địa bàn hơn 7,4 tỷ đồng).
Trước đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM; trong đó kiến nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển./.