TP.HCM quyết giảm tai nạn giao thông từ 5- 10% dù "rất khó"
VOV.VN - Trong năm nay để tiếp tục hoàn thành mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 – 10% so với trước đó, đòi hỏi quyết tâm rất lớn của cả chính quyền và người dân TP.HCM.
Năm 2021, TP.HCM giảm sâu tai nạn giao thông ở cả ba mặt. Tuy nhiên, thời điểm trước và khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì tình hình giao thông lại có chiều hướng tăng ở một số địa bàn. Do đó, trong năm nay để tiếp tục hoàn thành mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 – 10% so với trước đó đòi hỏi quyết tâm rất lớn của cả chính quyền và người dân TP.
Lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao sau Tết Nguyên đán
Những ngày sau Tết Nguyên đán 2022, lượng lớn người dân các tỉnh, thành đổ về lại TP.HCM để làm việc dẫn đến tình hình giao thông tại TP bắt đầu đông đúc. Đặc biệt là sau 14/2 khi học sinh các cấp đều đến trường học trực tiếp thì tình hình càng căng thẳng hơn. Cảm nhận hiện nay là tình hình giao thông tại TP.HCM bắt đầu đã “hồi phục” như thời trước khi có dịch và do đó áp lực về tai nạn giao thông cũng tăng lên.
"Trước và sau Tết Nguyên đán có sự khác biệt rất rõ. Cung đường tôi đi trước kia nếu chỉ mất 30 phút thì nay đã lên 45 phút, thậm chí 1h. Ngoài ùn tắc thì va chạm cũng như tai nạn giao thông cũng thường thấy hơn"- anh Trịnh Viết Quân, người dân TP Thủ Đức, thường ngày đi làm tại Quận 3 cho hay.
Cảm nhận của người dân là chính xác khi theo báo cáo tình hình lưu thông trên địa bàn của Sở GTVT TP.HCM thì lượng phương tiện trung bình ngày 14/2 là 4.199 PCU/giờ (PCU là phương tiện quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn). Con số này tăng 6% so với ngày 29/1/2021 tức ngày 27 tháng Chạp – ngày cao điểm trước Tết; tăng 221% so với ngày 9/7/2021 – ngày TP bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 và tăng đến 501% so với ngày 1/9/2021 – ngày TP thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM năm 2021 là năm rất khó khăn cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có giao thông vận tải. Theo ông Lâm, năm 2021 là năm giảm sâu nhất về tai nạn giao thông và đây là năm thứ bảy mà tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt trên 5%. Theo thống kê, số người chết tại TP chiếm 8% cả nước trong khi dân số TP chiếm đến hơn 10%, là đô thị đặc biệt, dân cư đông nhất nên đây là kết quả thể hiện được sự nỗ lực cố gắng của ngành giao thông.
Mục tiêu giảm tai nạn giao thông 5 – 10% năm nay là khó
Năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% các chỉ tiêu về tai nạn giao thông so với năm 2021. Theo nhiều đơn vị, địa phương, đây là một chỉ tiêu “rất khó” bởi tai nạn giao thông năm 2021 giảm sâu có lý do khách quan là TP thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nên lượng phương tiện ra đường ít. Trong khi năm 2022, hình hình kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường mới nên chắc chắn tình hình ùn tắc và tai nạn sẽ tăng. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều tập trung tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm trong các đợt cao điểm như Tết, lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền ý thức người dân nhất là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ…
"Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các lỗi vi phạm dẫn đến nguyên nhân tai nạn giao thông; Chỉ đạo các lực lượng chức năng và địa phương kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng, đặc biệt là các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ"- ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết.
Tương tự, Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cũng băn khoăn về chỉ tiêu kéo giảm 5- 10% nhưng khẳng định, lực lượng này tiếp tục xây dựng kế hoạch tuần tra xử lý theo chuyên đề, kế hoạch cao điểm. Chủ động làm việc với các địa phương để lên các phương án phân luồng giao thông từ xa; tăng cường xử lý vi phạm, triển khai cao điểm trấn áp tội phạm, tăng cường tuyên truyền…
Đặc biệt, lực lượng này chủ động bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát linh hoạt, phù hợp thực tế theo hướng tuần lưu, quán xuyến tốt địa bàn đảm trách, xác định mục tiêu trọng tâm là “kéo giảm tai nạn giao thông”.
"Đề nghị khi có lượng tăng đột biến thì các đồng chí cũng có thông tin phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để lực lượng chức năng chủ động phân luồng từ xa. Bên cạnh đó, chủ động bố trí lực lượng để nhằm không để tình trạng ùn ứ hàng hóa hoặc hành khách trên tuyến tham gia giao thông trên đến tại các cảng, nhà ga, bến tàu"- Thượng tá Nguyễn Đình Dương cho hay.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, ngành giao thông đóng vai trò rất lớn trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM trong năm qua. Theo ông Mãi, để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022, ngành giao thông cần phải phân tích, mổ xẻ từng nguyên nhân để phát huy những điểm tích cực, đồng thời rút kinh nghiệm chỉ rõ những bất cập để khắc phục. Người đứng đầu chính quyền TP cũng nhận định, tỷ lệ giảm tai nạn giao thông trong năm 2021 đã gần như chạm đáy, mục tiêu giảm tiếp 5 - 10% trong năm nay là khó. Do đó cần phải phấn đấu hơn nữa, và cần phải tập trung “cải thiện chất lượng việc kéo giảm”, làm tốt công tác dự báo để triển khai các giải pháp phù hợp.
"Tôi nghĩ chúng ta nên tập trung không chỉ kéo giảm về mặt lượng mà nâng chất bằng các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bằng các biện pháp phòng ngừa, bằng cách dự báo, xác định được những yếu tố tiềm ẩn và có giải pháp để giải quyết trước"- ông Phan Văn Mãi cho biết.
Với một đô thị lớn có mật độ giao thông rất cao như TP.HCM, việc thành công kéo giảm tai nạn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn 5 năm 2015 - 2019 cũng như trong năm 2021 là nỗ lực rất lớn. Và để thực hiện được mục tiêu tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 – 10% trong năm 2022, rất cần có quyết tâm chính trị rất lớn của các cấp, các ngành và của chính người dân khi kết quả năm 2021 đã chạm đáy./.