Trạm y tế lưu động phát huy hiệu quả hỗ trợ điều trị F0 tại nhà
VOV.VN - Thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Trạm y tế lưu động trên địa bàn để kịp thời chăm sóc, điều trị hiệu quả F0 tại nhà. Từ đó, giảm áp lực cho các cơ sở y tế trong điều trị và chăm sóc người bệnh.
Dịch Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc ngoài cộng đồng liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, bình quân hơn 700 ca mỗi ngày. Thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Trạm y tế lưu động trên địa bàn để kịp thời chăm sóc, điều trị hiệu quả F0 tại nhà. Từ đó, giảm áp lực cho các cơ sở y tế trong điều trị và chăm sóc người bệnh.
Gần 1 tháng nay, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê là một trong nhiều địa phương ở thành phố Đà Nẵng triển khai Trạm y tế lưu động điều trị F0 tại nhà. Trạm y tế của phường đang hỗ trợ điều trị 147 bệnh nhân F0 tại nhà, đến nay gần 50 người đã khỏi bệnh.
Bác sĩ Đỗ Văn Đô, Trưởng Trạm y tế lưu động phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cho biết, công việc hằng ngày của nhân viên y tế ở Trạm là quản lý danh sách F0 theo từng nhóm bệnh nhân. Cán bộ y tế thường xuyên liên hệ với người mắc Covid-19 qua điện thoại để nắm bắt được tình hình sức khỏe và hướng dẫn điều trị khi cần thiết.
“Một số bệnh nhân mà có triệu chứng tức ngực hoặc đau bụng hay bất kỳ một vấn đề nào đó thì tôi sẽ trực tiếp đi xuống khám cho những bệnh nhân như vậy. Cuối buổi, tôi sẽ tổng hợp danh sách tất cả những bệnh nhân nào mình chưa thăm, khám để xem có cần phải xử lý gì thêm hay không", Bác sĩ Đỗ Văn Đô nói.
Hiện mỗi ngày, tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng ghi nhận gần 200 ca F0 tập trung nhiều ở phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang và Mân Thái. Đến thời điểm này, 7 Trạm y tế lưu động của 7 phường trên địa bàn đã kích hoạt, giúp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của quận quản lý, theo dõi việc điều trị F0 tại nhà được tốt hơn. Mỗi trạm y tế lưu động được chuẩn bị 2 giường, có tủ thuốc, khẩu trang, máy đo huyết áp… và các sinh phẩm phục vụ cho công tác xét nghiệm.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, do lực lượng y tế mỏng nên địa phương phải huy động đội ngũ y tế về hưu, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các Trạm y tế lưu động.
“UBND các phường đã mời các cộng tác viên cũng như những người tình nguyện này tham gia tình nguyện hoạt động. Đến nay, với số lượng điều trị F0 tại nhà trên địa bàn quận là hơn 1.600 bệnh nhân. Kết quả đến nay tình hình vẫn ổn. Những công việc tư vấn cũng như giải quyết các kiến nghị, thăm hỏi bệnh nhân đều kịp thời", ông Hùng cho biết.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có gần 30 trạm y tế lưu động được thiết lập và đang hoạt động. Theo đánh giá, các trạm y tế lưu động này bước đầu đã phát huy tác dụng, giúp giảm tải cho các cơ sở y tế, chăm sóc và điều trị hiệu quả F0 có triệu chứng nhẹ. UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu ngành y tế rà soát lại tất cả các điều kiện hoạt động của trạm y tế lưu động như: trang thiết bị bảo hộ, bình oxy, thuốc,…
Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố Đà Nẵng nhận định, thời điểm sắp tới số F0 sẽ còn tăng cao, nhân lực y tế của trạm y tế phải tham gia nhiều hoạt động như xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị F0… do vậy các địa phương cần sớm kêu gọi sự tham gia của các lực lượng khác hỗ trợ, nhằm giảm áp lực trong điều trị F0 tại nhà, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn và cấp thuốc điều trị.
“Với số lượng ca mắc hiện nay đang quản lý và nếu như các quận, huyện thiết lập ít nhất 1 trạm y tế lưu động cùng với trạm y tế cố định thì về cơ bản, một trạm đang quản lý từ 100 đến 150 bệnh nhân F0. Như vậy, về khả năng thu dung của một trạm y tế lưu động theo quy định là tương đối đáp ứng được. Vấn đề hiện nay là phải điều phối được đủ nhân lực cho các trạm y tế để họ có thể vận hành, quản lý theo số lượng đối tượng F0 được giao", bà Thủy nói./.