Trẻ em mắc COVID-19 ở TP.HCM nhập viện gia tăng
VOV.VN - Vài tuần trở lại đây, số trẻ mắc COVID-19 nhập viện tại các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP.HCM gia tăng, trong đó có trẻ đến khám do có các dấu hiệu ho, sốt... sau đó phát hiện dương tính.
Gia tăng trẻ em F0
Đơn vị COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang điều trị cho gần 100 trẻ em là F0, tăng khoảng từ 50%-70% so với thời điểm giữa tháng 10, khi TP mở cửa trở lại. Mỗi ngày, phòng khám sàng lọc của bệnh viện phát hiện khoảng 20-30 trẻ dương tính SARS-CoV-2, chủ yếu là trẻ có triệu chứng nhẹ, được hướng dẫn cho về điều trị tại nhà. Các trường hợp có bệnh lý nền hoặc bị các triệu chứng nặng sẽ được nhập viện.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Bác sĩ Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM, kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong các trẻ nhập viện, tỉ lệ bệnh nặng chiếm 14%. Trong số hơn 100 bệnh nhi đang điều trị tại đơn vị, đa số là trẻ có bệnh lý nền, bị suy giảm miễn dịch, thần kinh, tim bẩm sinh, trẻ sau hậu phẫu.
“Đơn vị điều trị COVID-19 ở đây đòi hỏi rất đa ngành, nhiều chuyên khoa, nhân lực ít, do đó phải phối hợp nhiều chuyên khoa. Mình theo dõi xem các cháu có bị tổn thương phổi không để điều trị, can thiệp sớm, hỗ trợ hô hấp sớm, còn nếu điều trị trễ thì tổn thương phổi nhiều lên, có thể dẫn đến phải can thiệp bằng ECMO”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Tương tự Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng phát hiện từ 20 đến 30 trẻ dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh viện này đang điều trị cho hơn 110 bệnh nhi F0, tăng gấp 3-4 lần so với thời điểm từ đầu đến giữa tháng 10. Trong đó, trẻ em độ tuổi học cấp một, cấp hai chiếm 40%.
Theo Thạc sĩ-Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ mắc COVID-19 ở giai đoạn ủ bệnh và phát bệnh sẽ có nhiều biểu hiện, có thể ở đường hô hấp, đường tiêu hóa nên phụ huynh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, lúc này tải lượng virus cũng chưa đủ để làm test nhanh dương tính. Vì vậy, nếu gia đình có thành viên là F0 thì trẻ phải được theo dõi sát, sau đó vài ngày thực hiện xét nghiệm test nhanh hoặc PCR.
Trẻ béo phì, bệnh nền-không thể chủ quan
Bác sĩ Thu cho rằng, trẻ mắc COVID-19 có thể được điều trị tại nhà, nếu có dấu hiệu chuyển nặng phải đưa trẻ đi khám, đặc biệt là cần lưu ý đo SpO2, theo dõi sinh hoạt thường ngày, nhất là trẻ nhũ nhi thường có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú…
“Khi trẻ con có những triệu chứng như khó thở, thở nhanh, thở gắng sức, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, tím tái và nôn ói, tiêu chảy nhiều thì cần phải đến bệnh viện khám để được chỉ định kịp thời. Cần lưu ý là một số trẻ có bệnh nền dù nhiễm COVID-19 với dấu hiệu nhẹ thì bố mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám sớm”, bác sĩ Thu khuyến cáo.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa cứu sống một bệnh nhi mắc COVID-19 bị béo phì (cân nặng 110kg), sau hơn 1 tháng nỗ lực cứu chữa. Hiện bé đã được ngưng lọc máu, cai máy ECMO. Đây là một trong số ít bệnh nhi bị “bão Cytokine” tấn công, phổi tổn thương rất nặng tương tự bệnh nhân COVID-19 số 91 - phi công người Anh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trong số khoảng 100 trẻ đang điều trị COVID-19 thì nhóm trở nặng vẫn là có bệnh nền, sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển, khả năng vận động tống đàm nhớt, ho khạc yếu.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, trẻ em trong thời gian giãn cách phải ở nhà, ít được vận động nên nguy cơ béo phì rất cao, trong khi đó đây là một yếu tố nguy cơ khi trẻ mắc COVID-19. Đối với những trẻ cơ địa béo phì, vừa mắc COVID-19 vừa bị sốt xuất huyết, việc điều trị vô cùng khó khăn.
“Mình truyền dịch thích hợp với cân nặng lý tưởng của trẻ thì mới đảm bảo em bé không bị thiếu dịch, không gây ra sốc kéo dài và không bị suy hô hấp do tình trạng viêm phổi do COVID-19”, bác sĩ Tiến cho hay.
Chuyên gia cho biết đa số trẻ em mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu rơi vào nhóm có bệnh lý nền. Hiện nay, khi số lượng F0 trong cộng đồng tăng cao, người lớn đi làm, đi chợ, tiếp xúc nhiều nguồn lây, sau đó về nhà và lây nhiễm cho trẻ nhỏ. Đặc biệt, khi TP.HCM có kế hoạch cho trẻ đi học trở lại, việc phòng chống dịch tại trường phải được chuẩn bị khoa học, đầy đủ.
Dù đã tiêm vaccine, học sinh đến trường học cũng cần tuân thủ 5K. Nếu có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở… học sinh phải báo ngay cho giáo viên, thầy cô chủ nhiệm, nhân viên y tế. Các trường hợp chưa tiêm vaccine, nhóm trẻ em có bệnh nền càng phải được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, nếu thấy con có những biểu hiện ho, sốt, đau họng… gia đình phải liên lạc ngay với y tế địa phương, các bệnh viện có khoa nhi để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời./.