Tướng Đỗ Thanh Phong: Tính toán kỹ nhu cầu của hàng triệu người TP.HCM

"Chính phủ và TP.HCM đã tính toán rất kỹ trên cơ sở thống kê số hộ gia đình, nhân khẩu tại vùng đỏ để có dự tính về nhu yếu phẩm, thuốc men", thiếu tướng Đỗ Thanh Phong nói.

"Chúng tôi là người lính, từ nhân dân mà ra. Khi người dân đang gặp những khó khăn thì quân đội với mệnh lệnh từ trái tim đã có mặt", thiếu tướng Đỗ Thanh Phong (Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) chia sẻ với Zing về đợt điều động hàng nghìn quân nhân vào TP.HCM để giúp thành phố chống dịch.

Là thành viên Tổ công tác của Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam, tướng Phong đánh giá nhiệm vụ đáp ứng nhu yếu phẩm và điều kiện sống cho người dân TP.HCM trong những ngày tới là rất quan trọng. Việc này cần có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa quân đội với các bộ, ngành và địa phương.

Thiết lập lại trật tự giãn cách

- Xin ông cho biết mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của quân đội từ ngày 23/8 đến 6/9 tại TP.HCM là gì?

- Quân đội sẽ giúp cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và TP.HCM siết chặt lại trật tự, bảo đảm giãn cách xã hội tốt nhất theo tinh thần “ai ở đâu thì ở yên đó” để nâng cao hiệu quả chống dịch.

Mục tiêu quan trọng là trong thời gian ngắn làm sao thiết lập được trật tự và xét nghiệm ra được 100% số ca mắc Covid-19 trong các quận, huyện vùng đỏ (vùng có nguy cơ cao) để có phương án điều trị phù hợp.

Để thực hiện nhiệm vụ này, quân đội đã có những bước điều động, chuyển quân như thế nào?

- Thời gian qua, quan điểm chỉ đạo chung vẫn là sử dụng các lực lượng tại chỗ. Nhưng đối với TP.HCM, chúng ta thấy rằng việc TP tự đảm bảo được giãn cách lúc này là vô cùng khó khăn. Với lời kêu gọi của Tổng bí thư và giao nhiệm vụ của Thủ tướng, quân đội đã sẵn sàng vào cuộc theo quyết tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong nhấn mạnh: "Khi đã “chốt chặt” như vậy thì phải có phương án đảm bảo đời sống người dân"

Lần này, bên cạnh lực lượng quân y, nhiều lực lượng khác được điều động. Họ là các các sĩ quan, binh sĩ thời gian qua trực chiến ở đơn vị.

Ngoài ra, bác sĩ, học viên quân y từ miền Bắc được điều động vào với nhiệm vụ thành lập các trạm y tế cơ động. Họ sẽ đến các phường, tổ dân phố, giúp nhân dân phát hiện, tầm soát và điều trị ban đầu.

Quân đội được tăng cường nhưng vẫn dựa trên phương châm “4 tại chỗ” mà lực lượng vũ trang Quân khu 7 là nòng cốt. Lực lượng, phương tiện, trang thiết bị được huy động chủ yếu là xe vận chuyển nhu yếu phẩm, rau củ quả.

- Trong những ngày “ai ở đâu ở yên đó”, quân đội sẽ đảm bảo nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho người dân như thế nào?

- Khi đã “chốt chặt” như vậy thì phải có phương án đảm bảo đời sống người dân. Tất nhiên là sẽ khó khăn nhưng vẫn phải duy trì được điều kiện sống tối thiểu để người dân yên tâm không ra khỏi nhà.

Bởi vậy, Chính phủ và địa phương đã tính toán rất kỹ lưỡng trên cơ sở thống kê số hộ gia đình, nhân khẩu tại vùng đỏ để có dự tính về lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men…

Đây là vấn đề lớn bởi lượng tiêu thụ tại các quận huyện vùng đỏ cỡ vài triệu người. Việc này cần có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa quân đội với bộ, ngành, địa phương.

"Kết quả dập được dịch sẽ là câu trả lời tốt nhất cho người dân"

- Ông đánh giá nhiệm vụ sắp tới có tính chất đặc biệt như thế nào trong lịch sử tác chiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam?

- Trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc trước đây, việc xác định kẻ thù là rất rõ. Nhưng trong cuộc chiến đấu này, kẻ thù là vô hình, không màu sắc hay mùi vị. Nó tấn công mình bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu… Nhưng không vì thế mà mình không tiêu diệt được.

Trong thời bình, hiếm khi nào có một lượng lớn bộ đội làm nhiệm vụ tại các khu dân cư đông đúc như thế này. Các chiến sĩ sẽ phải tận dụng địa hình, địa vật làm nơi đóng quân, trên cơ sở các công trình có sẵn như trường học, công sở, nhà xưởng hoặc nhà bạt dã chiến.

- Với đặc thù nhiệm vụ gần dân, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, cán bộ chiến sĩ quân đội cần lưu ý những điều gì?

- Đó là vấn đề mà chúng tôi thường xuyên quan tâm.

Quân đội là một trường học lớn nên công tác giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu. Quân nhân phải tuân thủ kỷ luật một cách nghiêm ngặt và tự giác chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy.

Lực lượng tham gia lần này có nhiều chiến sĩ tuổi còn trẻ, mới nhập ngũ từ tháng 2. Nhưng đến nay anh em đã qua 6-7 tháng rèn luyện, chất lính đã hình thành cùng với ý thức, trách nhiệm.

Đây là nhiệm vụ giúp dân nên lãnh đạo chỉ huy các cấp luôn quán triệt, động viên để chiến sĩ thực hiện tốt 10 lời thề danh dự, trong đó đặc biệt là lời thề thứ 9. Cán bộ chiến sĩ cũng phải tôn trọng phong tục tập quán, nét văn hóa của người dân TP.HCM.

Tôi tin chắc là các cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Ông kỳ vọng điều gì ở người dân TP.HCM trong giai đoạn quân đội thực hiện nhiệm vụ tại thành phố?

- Chúng tôi là người lính, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Khi người dân đang gặp những khó khăn thì quân đội với mệnh lệnh từ trái tim đã có mặt.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài, kinh tế khó khăn, tâm lý ức chế… chúng tôi tin rằng người dân đã thấy được tính chất nguy hại của thảm họa này, từ đó ủng hộ và tuân thủ yêu cầu của cơ quan chức năng.

Tất nhiên, nếu còn một bộ phận nhỏ người dân chưa hiểu, sẽ cần sự tăng cường tuyên truyền của các cấp chính quyền. Kết quả dập được dịch sẽ là câu trả lời tốt nhất cho người dân.

- Ngoài đảm bảo đời sống cho người dân, quân đội có phương án đảm bảo an ninh, ứng phó với tình huống chống đối, hành xử cực đoan hay không?

- Tất nhiên rồi. Trong các nhiệm vụ của quân đội thì nhiệm vụ đầu tiên vẫn là sẵn sàng chiến đấu. Trong phòng chống dịch thì càng đặt nhiệm vụ này lên cao vì các thế lực thù địch thì không từ một âm mưu nào.

Ở các đợt giãn cách xã hội trước, chúng tôi đã phải đối mặt, xử lý rất nhiều trường hợp chống đối. Lần này, yêu cầu còn cao hơn. Quân đội sẽ tăng cường lực lượng với trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết để chốt chặn, tuần tra kiểm soát việc chấp hành giãn cách của người dân.

Chúng tôi đã có những phương án cụ thể để chủ động trong mọi tình hình, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.

- Xin cảm ơn thiếu tướng!

5 giải pháp siết chặt giãn cách của TP.HCM từ 0h ngày 23/8

- "Ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly với khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn.

- Tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế tỷ lệ tử vong.

- Tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực "vùng đỏ" trên bản đồ Covid-19 TP.HCM.

- Tăng cường, đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.

- Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn dân cư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP.HCM tăng cường quân đội để kiểm soát vùng đỏ, giúp dân đi chợ và tiếp cận y tế
TP.HCM tăng cường quân đội để kiểm soát vùng đỏ, giúp dân đi chợ và tiếp cận y tế

VOV.VN - Tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM diễn ra chiều 20/8, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã thảo luận về cách thức tổ chức tăng cường lực lượng kiểm soát thực hiện nghiêm quy định giãn cách, đảm bảo an sinh, trật tự xã hội và tiếp cận y tế.

TP.HCM tăng cường quân đội để kiểm soát vùng đỏ, giúp dân đi chợ và tiếp cận y tế

TP.HCM tăng cường quân đội để kiểm soát vùng đỏ, giúp dân đi chợ và tiếp cận y tế

VOV.VN - Tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM diễn ra chiều 20/8, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã thảo luận về cách thức tổ chức tăng cường lực lượng kiểm soát thực hiện nghiêm quy định giãn cách, đảm bảo an sinh, trật tự xã hội và tiếp cận y tế.