Vì sao TP.HCM không đổi phương pháp test COVID-19?
VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng TP.HCM nên sử dụng phương pháp xét nghiệm nước bọt, mồ hôi, dịch họng thay dịch tỵ hầu.
Liên quan đến ý kiến một số bác sĩ cho rằng việc lấy mẫu với tần suất nhiều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng hô hấp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho rằng việc lấy mẫu dịch tỵ hầu ít ảnh hưởng hơn so với phương pháp lấy dịch mũi, họng.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, từ sau 15/9, TP.HCM tiếp tục chiến lược xét nghiệm diện rộng theo công văn 3074. Theo đó, người dân vùng đỏ, vùng cam được xét nghiệm với tần suất 3 lần trong 7 ngày, vùng vàng và xanh tần suất 5 - 7 ngày/lần.
Trước thông tin đó, một số người cho rằng việc lấy mẫu với tần suất nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng hô hấp, và đặt câu hỏi tại sao TP không sử dụng phương pháp xét nghiệm nước bọt, mồ hôi, dịch họng thay dịch tỵ hầu.
Trả lời câu hỏi này, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, vùng tỵ hầu là khu vực có mật độ virus cao, ít bị ảnh hưởng bởi các chất khác. Do đó kết quả xét nghiệm bằng phương pháp này có độ chính xác cao so với các phương pháp khác. Đây là cách làm phổ biến trên thế giới, các phương pháp khác như dùng mồ hôi hay dịch họng để xét nghiệm mới xuất hiện và mới được nghiên cứu trong thời gian gần đây nên chưa có đủ cơ sở bằng việc mà lấy mẫu dịch tỵ hầu. Mặt khác nguồn cung cấp kit test các dịch khác không có nhiều, nên không đảm bảo cho việc xét nghiệm diện rộng.
“Lấy mẫu vùng họng thì có thể sau khi mình ăn uống và thức ăn đi ngang đó ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm hoặc vùng mũi nhiều khi ta ngoáy mũi hay là cái gì đó thì cũng ảnh hưởng. Vùng tỵ hầu là vùng sâu bên trong, kín ít bị ảnh hưởng. Do đó, việc lấy mẫu vùng này là phương pháp đảm bảo độ chính xác cao nhất”, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết.
Tại buổi họp báo chiều 18/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, TP có thêm 2.270 bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện, 165 trường hợp tử vong trong ngày 17/9. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định số ca tử vong đang có xu hướng giảm suốt một tuần qua.
Đại diện Sở Y tế cho biết thêm theo thống kê, hiện nay số bệnh nhân nặng mới nhập viện tại TP.HCM đã giảm rất nhiều ở tầng 2 và 3 so với thời điểm trước đây. Riêng tại tầng 3 hiện có hơn 1.000 bệnh nhân đang thở máy. Tất cả các y, bác sĩ trong các trung tâm hồi sức ở tầng này đang cố gắng để cứu chữa cho những trường hợp bệnh nặng./.