Vĩnh Phúc yêu cầu đóng mỏ đất của 2 doanh nghiệp làm náo loạn ở huyện Lập Thạch
VOV.VN - Tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản yêu cầu tạm đóng cửa mỏ của 2 doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản đất san lấp ở huyện Lập Thạch và đề nghị công an tỉnh điều tra, xác minh thông tin phản ánh có hiện tượng khai thác lậu cao lanh đem bán.
Cấp phép đất san lấp, nhưng xe chở khoáng sản đi “lạc” nhà máy gạch
Thời gian qua, một số cơ quan báo chí phản ánh tình trạng một số mỏ khai thác đất trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt, người dân nghi ngờ việc đào đất san lấp chỉ là “bình phong” cho việc khai thác cao lanh bất hợp pháp.
Đã vài năm nay, hàng trăm hộ dân tại xã Xuân Hòa và xã Tử Du huyện Lập Thạch phải hứng chịu tiếng ồn, bụi bẩn, nguy cơ tai nạn giao thông...khi mỏ đất trên địa bàn xã đi vào hoạt động.
Tại các mỏ này, máy xúc công suất lớn đào thành những hố sâu, xe ben chờ sẵn…mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải lớn, xe “hổ vồ” (Howo) chạy qua, khiến nhiều hộ dân bất an. Đặc biệt đường giao thông nông thôn, giao thông liên tỉnh trong vùng có nguy cơ bị “băm nát” bởi xe quá tải.
Được biết, mỏ đất ở xã Tử Du được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác sản xuất Miền Bắc hoạt động để khai thác đất san lấp phục vụ khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên và các công trình lân cận. Tuy nhiên, trên thực tế, ghi nhận của nhóm phóng viên khi theo sát đường đi của những xe này, điểm đến không đúng như trong giấy phép, mà hướng đến là một số nhà máy sản xuất gạch men trên địa bàn huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc.
Người dân địa phương cho rằng, thực tế là doanh nghiệp trong lúc đào đất đã tìm kiếm được cao lanh, đất sét trắng và đã múc lên xe ben chở đi bán cho các nhà máy sản xuất gạch men. Loại đất “màu trắng, mịn dẻo” này người dân phản ánh đã được các doanh nghiệp khai thác trong nhiều tháng qua.
Cũng trên địa bàn xã Tử Du, một dự án khai thác đất khác của Công ty CP Tư vấn Xây dựng Như Ngọc cũng đang hoạt động rầm rộ. Để thuận tiện cho việc khai thác, một con đường tự phát cũng đã được mở ra để xe tải ra vào tỉnh lộ, quốc lộ được thuận tiện.
Theo giấy phép, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Như Ngọc được khai thác đất san lấp cho các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được ghi rõ trong giấy phép. Tuy nhiên, phần lớn số đất khai thác ở đây được đưa vào các nhà máy gạch trên địa bàn tỉnh và thậm chí còn chở sang nhà máy gạch ở Thái Nguyên cách Vĩnh Phúc gần 80km.
Theo ghi nhận thực tế cho thấy, ngoài việc khai thác không đúng với giấy phép, thì những mỏ này đang có dấu hiệu tồn tại các vi phạm khác như: không có camera giám sát, không có trạm cân, vượt quá độ sâu cốt nền, sử dụng sản phẩm sai mục đích.
Yêu cầu tạm đóng cửa mỏ, nhờ công an điều tra, xác minh
Trước những sai phạm nghiêm trọng nêu trên, ngày 14/12, ông Hoàn Tuấn Tam-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ký văn bản hỏa tốc số 4242/STMT gửi 2 công ty: Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác sản xuất Miền Bắc và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Như Ngọc trên địa bàn huyện Lập Thạch yêu cầu tạm dừng ngay hoạt động khai thác sản xuất (khai thác đất san lấp). Lý do vì 2 đơn vị này có nhiều vi phạm trong quá trình khai thác mỏ.
Theo ông Tam, thực hiện Văn bản số 9163/UBND-NN4 ngày 13/12/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc khẩn trương kiểm tra, làm rõ các vi phạm khai thác đất của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Như Ngọc và Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác sản xuất Miền Bắc.
“Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo và yêu cầu Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Như Ngọc và Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác sản xuất Miền Bắc nghiêm túc thực hiện: Tạm dừng ngay hoạt động khai thác, vận chuyển đất tại điểm mỏ khu đất đồi Gẳm và điểm mỏ Cây Quýt, Rộc Hóp, xã Tử Du huyện Lập Thạch từ ngày 14/12/2022 đến khi có thông báo cho phép khai thác thác trở lại của cơ quan có thẩm quyền”, ông Tam nói.
Theo ông Tam, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các đơn vị nói trên cung cấp hồ sơ, báo cáo về hoạt động khai thác của mỏ từ khi được cấp phép trong đó nêu rõ khối lượng đã khai thác đến thời điểm hiện tại, tình hình chấp hành quy định về luật sản xuất, tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính (Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác sản xuất...), nơi tiêu thụ sản phẩm.
Làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về hoạt động khai thác, vận chuyển trong quá trình hoạt động khai thác của Công ty. Báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20/12/2022.
“Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Vĩnh Phúc (Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm Môi trường) điều tra, làm rõ thông về các nội dung phản ánh Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Như Ngọc và Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác sản xuất Miền Bắc vận chuyển sản phẩm chuyển hóa đi tiêu tiêu thụ không đúng giấy phép nội dung, việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường, ảnh hưởng giao thông....”, ông Tam cho biết.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Lập Thạch, UBND xã Tử Du thường xuyên kiểm tra, giám sát công việc tạm dừng hoạt động khai thác, vận chuyển sản xuất tại 02 điểm khai thác trên nêu và bảo vệ sản xuất chưa khai thác theo quy định định nghĩa của luật hiện hành.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về thông tin phản ánh của người dân cho rằng, trong các mỏ đất san lấp được cấp phép tại huyện Lập Thạch khi múc đất lên có màu trắng bở, giống với loại khoáng sản là đất cao lanh, đất sét trắng và đã phản ánh đến chính quyền, nhưng đến nay, các đơn vị quản lý về tài nguyên của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, ông Nguyễn Vĩnh Hải - Phó phòng Khoáng sản-Tài nguyên nước và Khí tượng thuỷ văn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho biết, về thông tin tại điểm mỏ sản xuất vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác sản xuất Miền Bắc và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Như Ngọc, trong quá trình khai thác đất san lấp đã phát hiện có khoáng sản khác (ngoài đất), theo quy định khi phát hiện phải báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá, nhưng đã không có báo cáo và tự ý mang đi bán là hoàn toàn sai pháp luật.
Hiện nay, đơn vị đã xin ý kiến và có văn bản đề nghị Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất - Tổng cục Địa chất và sản xuất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tiến hành lấy mẫu và phân tích các thành phần. Dự kiến sớm có kết quả phan tích mẫu.
“Dựa trên kết quả phân tích mẫu vật lấy tại các điểm mỏ nói trên, khi đó mới có kết quả chính xác để báo cáo là khoán sản gì, đất hay cao lanh. Từ đó chúng tôi mới có văn bản báo cáo tham mưu và có hướng xử lý. Mọi hành vi khai thác khoán sản không được báo cáo đều là vi phạm pháp luật”, ông Hải khẳng định./.