Vùng giãn cách người dân khám, chữa bệnh thế nào?
VOV.VN - Bộ Y tế cũng đã triển khai đề án về hẹn khám chữa bệnh từ xa hay các phương án đưa, đón những bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có nguy cơ cao... đồng thời ưu tiên để họ lựa chọn cơ sở khám chữa gần nhất.
Cho đến thời điểm này, cả nước đang có hàng chục địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vậy việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân tại các khu vực giãn cách, khi vực phong tỏa đang được thực hiện như thế nào?
Trường hợp nào cần phải đến các cơ sở y tế, trường hợp nào cần phải trì hoãn? PV Đài TNVN (VOV) có cuộc trao đổi về vấn đề này với PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
PV: Thưa PGS.TS Lương Ngọc Khuê, trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay, công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện được thực hiện thế nào để vừa đảm bảo an toàn, vừa phòng tránh lây nhiễm?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo trong hệ thống khám, chữa bệnh. Thứ nhất là chúng ta phải tập trung đối với những người bệnh nặng, giảm tối thiểu tỉ lệ tử vong trong điều trị COVID-19. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đều phải triển khai các biện pháp phòng ngừa, cách ly ngay từ khi người bệnh bắt đầu đến bệnh viện và tuyên truyền trước khi người bệnh đến bệnh viện. Chúng tôi đã đưa ra một quyết định về 37 tiêu chí an toàn bệnh viện trong giai đoạn COVID.
Tất cả các bệnh viện và các phòng khám sẽ thực hiện tiêu chí này. Còn vấn đề nữa là trong tổ chức hoạt động của các bệnh viện thì phải có các phương tiện như là giãn cách, tổ chức các ca kíp làm việc, phân công các tổ trực từ người kế hoạch, kịch bản, từ người giám đốc đến Phó giám đốc các khoa, phòng, đặc biệt là khoa truyền nhiễm, Khoa Hồi sức tích cực, các bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn, rồi các khoa trong bệnh viện đều phải có kịch bản ứng phó với các tình huống khi có người bệnh tăng, có bệnh dịch trong viện, khi có trường hợp cách ly, phong tỏa.
PV: Vậy với người dân tại các khu vực giãn cách, phong tỏa, trường hợp nào bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế, trường hợp nào có thể trì hoãn, thưa ông?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, các cơ sở đang trong tình trạng chưa có dịch thì chúng ta vẫn phải chuẩn bị những phương án như vừa nêu, phải chủ động, tích cực và có một kế hoạch cụ thể để tiếp nhận bệnh nhân, đặc biệt là ưu tiên những trường hợp cấp cứu, còn những trường hợp có thể trì hoãn được thì chúng ta hướng dẫn cho người bệnh. Ví dụ, bệnh mãn tính mà điều trị, trước kia chỉ cấp thuốc 1 tháng, hiện nay có thể cấp thuốc 3 tháng. Với các đối tượng ưu tiên, người cao tuổi, có bệnh nền, người khuyết tật thì có những hướng dẫn và được y tế cơ sở theo dõi, chăm sóc, quản lý và hướng dẫn về tự chăm sóc sức khỏe của mình, còn các trường hợp khác thì các bệnh viện tổ chức đón tiếp, điều trị và ưu tiên cho những trường hợp cấp cứu.
Các tư vấn từ xa để cho các đối tượng này nắm, hiểu, biết và tự mình có thể phòng bệnh cũng như sắp xếp thời gian cho mình đến thăm khám ở các bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã triển khai đề án về hẹn khám chữa bệnh từ xa, rồi Telehealth, rồi các phương án về đưa, đón những bệnh nhân như bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân có nguy cơ cao, yếu thế trong xã hội để có hướng dẫn, ưu tiên lựa chọn cơ sở khám chữa gần nhất cũng như đi khám bệnh của mình trong thời điểm dịch bệnh này.
PV: Trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay, người dân có nên lựa chọn các nền tảng khám, chữa bệnh trực tuyến để kết nối với các bác sĩ ngay tại nhà?
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, thì đây là một trong những biện pháp hết sức quan trọng để giúp cho công tác phòng bệnh cũng như tư vấn, chữa bệnh cho bệnh nhân. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã đề xuất Chính phủ phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa, từ đó nền tảng công nghệ số đã được áp dụng ở các bệnh viện ở Việt Nam.
Hiện nay, đã triển khai 1.500 điểm cầu, các bệnh viện tuyến trên có thể tư vấn cho tuyến dưới, bệnh viện tư vấn cho người bệnh. Đặc biệt, đang xây dựng đề án để chúng ta hẹn khám, chữa bệnh ở bệnh viện một cách khoa học, chủ động về thời gian. Trong bệnh viện cũng áp dụng hệ thống hội chẩn khoa, giao ban với nhau khi các bệnh viện bị cách ly, phong tỏa, thì các bộ phận trong viện vẫn liên thông được với nhau qua nền tảng công nghệ thông tin.
Chúng tôi rất hoan nghênh VOV đã có những sáng kiến để đưa ra những tư vấn về sức khỏe, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe từ xa. Có khá nhiều người dân tin tưởng và tìm đến thầy thuốc có trình độ chuyên môn sâu và tâm huyết với nghề để tham gia và việc tư vấn về sức khỏe người dân, góp phần nâng cao năng lực của hệ thống y tế.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.