Xe buýt Bắc Hà xin bỏ 5 tuyến, Hà Nội cho phép chấm dứt hợp đồng
VOV.VN - TP Hà Nội chấp thuận đề xuất về việc dừng loạt tuyến buýt của Công ty TNHH Bắc Hà. Trước đó, công ty này đã kiến nghị Sở GTVT Hà Nội để xin bỏ các tuyến buýt đang khai thác do bị phá sản, ngân hàng siết nợ.
Văn bản do ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký, chấp thuận đề xuất của Sở GTVT Hà Nội về việc chấm dứt hợp đồng thầu với Công ty TNHH Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) đối với 5 tuyến buýt có trợ giá (số 41, 42, 43, 44, 45).
Đồng thời, lãnh đạo thành phố Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục; tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền; giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn Sở GTVT tổ chức triển khai bảo đảm theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc Công ty Bắc Hà kiến nghị dừng khai thác hợp đồng đấu thầu đối với 5 tuyến buýt.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long, ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của Công ty Bắc Hà, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội làm việc trực tiếp với đơn vị để rà soát, làm rõ các vấn đề liên quan cũng như đề xuất giải pháp xử lý.
Để không bị "xoá" loạt tuyến buýt số 41, 42, 43, 44, 45 sau ngày 1/8 tới đây, Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị TP Hà Nội 2 phương án thay thế.
Phương án 1, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt (giá trị phân khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đông trừ đi giá trị của phân khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).
Phương án 2, chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Cơ quan QLNN chuyên ngành GTVT của Hà Nội cũng cho biết cả 2 phương án trên (phương án 1 và phương án 2) đều phải tiến hành thủ tục trình UBND Thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà để xem xét phương án lựa chọn đơn vị thực hiện phân khối lượng còn lại.
Phương án 1 có ưu điểm là thay thế, lựa chọn ngay được nhà thầu để thực hiện khối lượng còn lại, duy trì liên tục hoạt động của các tuyến buýt, không gây xáo trộn về hoạt động đi lại của người dân, thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp nhận, kế thừa khoảng 200 người lao động có khả năng mất việc làm đối với đơn vị được chỉ định thay thế.
Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là nhà thầu được lựa chọn thay thế thực hiện có ít thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu về phương tiện, nhân lực thực hiện.
Phương án 2 có ưu điểm không bị áp lực về thời gian khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. Hay nói cách khác nhà thầu có khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị phương tiện, nhân sự, các điều kiện để đáp ứng gói thầu.
Song, phương án này có nhiều nhược điểm lớn khi phải tạm dừng hoạt động các tuyến buýt trong khoảng thời gian nhất định để tổ chức lựa chọn nhà thầu khác (từ 6 - 9 tháng).
Việc vận hành tuyến không liên tục gây xáo trộn trong hoạt động đi lại của người dân, khó khăn cho việc kế thừa lao động, người lao động có nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội
Hành khách đi lại thường xuyên trên các tuyến cũ sẽ phải chuyển từ 2 - 3 chuyến, thời gian di chuyển sẽ phải kéo dài (có thể hành khách sẽ chuyển qua sử dụng phương tiện cá nhân).
Đồng thời, với phương án 2 cơ quan quản lý sẽ phải xây dựng phương án điều chỉnh các tuyến buýt khác hỗ trợ cho 5 tuyến buýt trong thời gian tạm ngừng hoạt động, việc điều chỉnh các tuyến buýt hỗ trợ cũng sẽ phát sinh thêm chi phí, gây xáo trộn luồng tuyến.
Tại văn bản này, ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Quan điểm của Sở khi đề xuất phương án là cố gắng duy trì hoạt động của 5 tuyến buýt, hạn chế tối đa các xáo trộn ảnh hưởng đến mạng lưới tuyến buýt, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật.
"Trên cơ sở nguyên tắc chung như đã nêu và phân tích ưu nhược điểm của từng phương án nêu trên, Sở nhận thấy phương án 1 là phương án có nhiều lợi thế, ưu điểm để triển khai thực hiện và nên xem xét, lựa chọn phương án này để phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Đối với phương án 1, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 10 đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, với số lượng trên, việc xem xét lựa chọn một số đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng có đủ năng lực thực hiện phần công việc còn lại là rất thuận lợi và có tính khả thi cao", văn bản do ông Đào Việt Long ký nêu rõ./.