Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tín dụng đen
VOV.VN - Việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã mang lại hiệu quả cao, giúp người nghèo cải thiện đời sống, từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen
“Tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tại TPHCM đạt gần 3.360 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt hơn 3.343 tỷ đồng; cả hai chỉ tiêu trên đều tăng khoảng 50% từ khi có Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Đó là kết quả nổi bật được ghi nhận tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư (khóa 11) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, do Thành ủy TPHCM tổ chức chiều nay (31/10).
48 tập thể được tặng Bằng khen của UBND TPHCM về thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40 giai đoạn 2014-2019. |
5 năm qua, cùng với các chính sách an sinh xã hội của thành phố, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho gần 264.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần giúp cho gần 72.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 13.600 lao động; hỗ trợ gần 4.900 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn… Việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã mang lại hiệu quả cao, giúp người nghèo cải thiện đời sống, từng bước hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Tại hội nghị, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng tín dụng chính sách xã hội là một trong các giải pháp rõ nét nhất để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Sự phối hợp giám sát trong quản lý sử dụng nguồn vốn tín dụng này cũng giúp cho tổ chức Đảng, chính quyền tiếp xúc nắm bắt tâm tư nguyện vọng để giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần thực chất đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì việc thực hiện Chỉ thị 40 tại TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là sự phối hợp của các ngành các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức đảng chưa thật đồng đều. Nhiều chủ trương của Đảng rất nhân văn, vì dân nhưng công tác tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa ngân hàng với mặt trận, đoàn thể dù có nhưng chưa thật sự sâu sắc, gắn bó.
Hiện nay, tệ nạn ma túy, tín dụng đen trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, việc tăng dân số cơ học quá nhanh, trên 200.000 người/năm tiếp tục đặt ra thử thách cho chính quyền thành phố trong công tác an sinh xã hội, trong đó có tín dụng chính sách xã hội.
Thời gian tới, TP phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TPHCM, dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 110% đến 15%; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các tồn tại phát sinh để ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động cho vay, đảm bảo an toàn vốn.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho biết: "Thời gian tới hàng loạt giải pháp phải được thực hiện, trong đó trọng tâm là phải tập trung thêm nguồn lực của Trung ương, nguồn lực tại địa phương hỗ trợ để cả xã hội chung tay, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việc chuyển tải tín dụng dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, vào cuộc của các cấp ủy Đảng thì người dân được thụ hưởng chính sách xã hội thuận lợi nhất, hiệu quả nhất mới gắn bó được với các hoạt động của các cấp ủy Đảng, xây dựng mối quan hệ máu thịt của Đảng với nhân dân tốt hơn"./.
Khởi tố nguyên Thượng tá công an liên quan đến “tín dụng đen”