Tín hiệu từ Mường Phăng trong ký ức Đài Tiếng nói Việt Nam
VOV.VN-Niềm vui khi nhận được tin thắng trận từ Mường Phăng đã in dấu ấn, ăn sâu trong tâm trí đối với những người làm báo của Đài TNVN.
Theo con đường rừng Mường Phăng, đếm từng bước chân, qua những chiếc cầu vượt suối ghép lại bằng 3 thanh gỗ nhỏ, tôi thầm nghĩ mình đang đi trên con đường mà 60 năm trước, nhà báo lão thành Nguyễn Văn Nhất, đặc phái viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại mặt trận Điện Biên Phủ đã từng đi.
Tôi sững lại trước chiếc lán và căn hầm làm việc của ông Hoàng Đạo Thúy, chỉ huy bộ phận thông tin liên lạc bằng VTD của chiến dịch. Lời kể của ông Nguyễn Văn Nhất năm nào như ùa về, như chỉ rõ từng con đường chân chim trong rừng rậm, như nghe rõ tiếng gõ manip “tạch tè” đang truyền tin thắng trận về cơ sở Đài ở Bó Lù (Bắc Cạn)
Ngày ấy, đầu năm 1954, sau đợi “chỉnh Đảng”, “phê bình và tự phê bình” nhà báo Nguyễn Văn Nhất tạm biệt Bó Lù, tạm biệt vợ con lên đường đi “Chiến dịch Trần Đình”, cái mật danh mà những người ở hậu phương chỉ biết đây là một trận đánh to lớn lắm, quan trọng lắm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điên Biên Phủ tại Mường Phăng |
Bài báo đầu tiên ông chuyển về Đài là “Hoan hô chiến sỹ pháo binh” ca ngợi bộ đội ta phấn chấn, miệt mài, hăng hái kéo pháo lên trận địa. Ít lâu sau là bài: “Chiến sỹ công binh ta giỏi thật” và “Bộ đội pháo binh ta thật can trường” kể lại tinh thần kỹ luật thép và ý chí can trường của chiến sỹ pháo binh, công binh phải mở đường kéo pháo về vị trí tập kết, chuẩn bị cho trận đánh chắc thắng.
Mãi sau này, ông Nguyễn Văn Nhất mới được biết, đồng bào chiến sỹ cả nước mới được hay khoảng lặng giữa hai lần kéo pháo là 11 ngày đêm suy nghĩ đau đầu, bạc tóc của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp để đi đến một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đười binh nghiệp của mình là chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Cội nguồn niềm tin của quyết định sáng suốt ấy, sau này Đại tưởng tổng kết là “luôn luôn nắm vững quan điểm thực tiễn, luôn xuất phát từ thực tiễn” Nơi tận cùng của niềm tin ấy là lời dặn của Bác Hồ lúc chia tay Đại tướng ra trận cầm quân là : “tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền”, “phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Đêm 13/3/1954, Đài TNVN ở Bó Lù, bên hồ Ba Bể, Bắc Cạn nhận được tin nóng hổi của phái viên đặc biệt Nguyễn Văn Nhất từ Bộ chỉ huy chiến dịch Trần Đình điện về: quân ta bắt đầu tiến công.
Nơi làm việc của bộ phận thông tin liên lạc chiến dịch ĐBF |
Lúc 6h sáng 14/3/1954, như thường ngày bài hát “Diệt phát xít” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi được cất lên mở đầu chương trình phát thanh, vẫn là giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên Dương Thị Ngân, nhưng lần này khác hơn, mạnh hơn, vang hơn: “Mời đồng bào và chiến sỹ nghe tin: 5 giờ chiều ngày hôm qua, đại pháo của ta đã giáng đòn sấm sét xuống quân địch ở Him Lam và Mường Thanh, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Không khí làm việc ở Bó Lù nóng lên từ giây phút này. Từ Ban lãnh đạo đến biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên được tổ chức lại theo ba lần phát sóng trong ngày, điện báo viên làm việc liên tục. Hễ có tin từ mặt trận điện về là lập tức biên tập, duyệt ngay, đọc ngay. Nếu chương trình thường ngày đang phát mà có tin mới nhận được từ “Trần Đình” thì tạm dừng mà đọc thẳng “tin chiến thắng vừa mới nhận được”. Thuật ngữ “tin mới nhận được” thường nghe trên đài có từ đây. Sau này các ông Lê Quý, Trần Sinh kể lại là các chương trình tiếng nước ngoài phải “chạy sau” nên khá vất vả. Dịch xong là phát ngay vào chương trình gần nhất. Hai nữ phát thanh viên Dương Thị Ngân và Vân Yến đều có con nhỏ, nhưng vẫn thay nhau trực thường xuyên ở phòng thu.
Nhận được bài bình luận của tác giả Chính Nghĩa từ mặt trận điện về, Tổng biên tập Trần Lâm nhắc đi nhắc lại là phải đọc ngay, đọc chính xác từng dấu chấm, dấu phẩy, giọng phải rõ ràng, đĩnh đạc. Sau này mới hay, đây là những bài bình luận quan trọng được Bộ Chỉ huy chiến dịch duyệt nhằm nghi binh hoặc phối hợp giữa các chiến trường trên toàn Đông Dương với Điện Biên Phủ. Bài bình luận được phát ngay trên làn sóng của Đài phát thanh Quốc gia, được in trang trọng trên báo Quân đội Nhân dân phát hành nóng hổi tại mặt trận.
Ông Lê Quý kể lại là sau ngày hòa bình, Đài TNVN về Hà Nội, có nhiều người đến 58 Quán Sứ hỏi thăm và xin được gặp nhà báo Chính Nghĩa. Người ta chỉ vào nhà báo Nguyễn Văn Nhất, ông cười vui: “Chính Nghĩa là bút danh chung, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho, trong đó có nhiều bài do đich thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết. Tôi chỉ là một thành viên trong Tổ báo chí mặt trận Điên Biên Phủ mà thôi”
Đặc phái viên Nguyễn Văn Nhất, bút danh là Thân, hay Lê Yên kể lại rằng: hạ tuần tháng ba, mưa dầm liên tục, chiến hào lỏng bỏng bùn nước, cả quân ta và quân địch ngâm chân trong bùn lầy giá lạnh, thèm một chiếc áo khô mà không được. Đến chiều 30/3 thì tạnh mưa, hoe nắng, nhưng những vạt mây đen còn vần vũ bầu trời Điện Biên. Lợi dụng thời tiết thất thường, máy bay địch không hoạt động được, bộ đội ta vận động theo chiến hào, triển khai chiến đấu mà địch không hay biết.
Đúng 17h30 chiều, đợt tiến công thứ hai bắt đầu. Pháo binh ta dội lửa xuống hầm chỉ huy của Đờ Cát cùng các điểm C1, D1, E1, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm. Máy bay địch tiếp tế từ Hà Nội lên bị lưới lửa phòng không của ta phủ kín rát rạt, hốt hoảng thả lương thực, thực phẩm, thuốc men cùng đạn pháo, phần nửa rơi vào trận địa của ta. Tác giả Lê Yên (bút danh của Nguyễn Văn Nhất) viết: “Vậy là chúng ta có thêm “một đội quân tiếp tế mới”, ấy là những chiếc tàu bay lặc lè mang hàng từ Hà Nội lên Điện Biên vội vàng, hoảng hốt thả xuống rồi tháo chạy trước làn đạn cao xạ pháo của ta”. Các biên tập viên Lê Quý, Trần Sinh khi dịch ra tiếng nước ngoài dí dỏm thêm hai tiếng “cảm ơn”.
Sau này, trong cuốn “Điện Biên Phủ - dưới con mắt người Pháp, Jules Roy viết: “Trong buổi phát thanh mà quân Việt phát gần như mỗi chiều, họ nhắc đi nhắc lại: cám ơn về đạn pháo 105, chúng tôi sẽ trả lại các anh, nhưng có cả ngòi nổ. Cùng với xe tải Monolova và CMR, với dân công, bè mảng, ngựa thồ và xe đạp Pôjô, bây giờ có thêm cả máy bay. Khi những chiếc Đacota đầu tiên bay đến vào buổi sáng, quân Việt cười và reo lên: “dân công trên trời”.
Tác giả viết lưu niệm tại Bảo tàng Mường Phăng: "Nơi đây 60 năm trước nhà báo Nguyễn Văn Nhất đã đưa tin chiến thắng ĐBF" |
Chương trình phát thanh cuối giờ chiều mùng 7/5 gần hết thì nhận được tin điện của đặc phái viên Nguyễn Văn Nhất báo tin 17h30, quân ta đã tiến công chiếm được chỉ huy sở của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở trung tâm Mường Thanh. Toàn bộ binh lính và tướng tá Pháp đã ra hàng, tướng Dờ Cát đã bị bắt sống. Anh chị em trực ở Bó Lù nhảy lên reo hò và chuẩn bị đọc thẳng tin chiến thắng thì nhận điện của phóng viên mặt trận Nguyễn Văn Nhất là, theo ý kiến của anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) Đài khoan đưa tin này, chờ xác minh lại một số chi tiết. Sau này ông Nhất kể lại là Đại tưởng Tổng tư lệnh cho kiểm tra lại tướng Pháp đầu hàng có phải là Đờ Cát hay không.
Vào khoảng 1h sáng 8/5/954, Đài nhận được tin giờ chót là quân ta tiêu diệt hoàn toàn ổ đề kháng của địch ở Hồng Cúm. Hơn 2000 tên địch bị ta bắt sống, kể cả tên đại tá chỉ huy. Thế là toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt.
Trong khi đó Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến điện ra cho biết: anh chị em đang thức cùng Bó Lù chờ tin đại thắng và sẵn sàng tiếp âm Đài TNVN báo tin thắng lợi cho đồng bào, chiến sỹ Nam Bộ.
Chương trình Thời sự 6h sáng 8/5/1954, Đài Tiếng nói Việt Nam long trọng công bố toàn văn Thông báo đặc biệt của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Đúng 22h ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã thu được toàn thắng.” Bản Thông báo đặc biệt được phát lại vào 12h trưa và những ngày sau.
Lúc ấy, ông Trân Lâm nhớ lại là cả trời đất, mặt hồ và con người ở Bó Lù như hòa vào một, tất cả ùa về, vây quanh phòng thu thanh nghe từng lời, từng chữ tin đại thắng.
Những tín hiệu “tạch, tè” nhảy múa theo ngón tay thiện nghệ của các điện báo viên mang tin thắng trận từ Mường Phăng điện về. Đã một thời và ngày nay vẫn gọi là “Tín hiệu Mường Phăng”./.