Tin nhắn xúc động của các bác sĩ xung phong hỗ trợ miền Nam chống dịch
VOV.VN - Những dòng tin nhắn ngắn gọn nhưng đầy xúc động, thể hiện sự sẵn sàng lên đường chống dịch của các y bác sĩ, các kỹ thuật viên vì miền Nam ruột thịt.
Với tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”, hơn 6.000 y bác sĩ, kỹ thuật viên và các tình nguyện viên đã tới thành phố mang tên Bác để tham gia cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, với số ca mắc tăng cao và tốc độ lây lan khủng khiếp của biến chủng Delta.
Hiện TP.HCM cùng 18 tỉnh, thành phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 và các biện pháp chống dịch mạnh mẽ. Theo đó, cả nước đều đang hướng về miền Nam ruột thịt, mọi y bác sĩ, nhân viên y tế đều sẵn sàng tham gia tuyến đầu chống dịch.
Ngày 28/7, khi Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) đề nghị lập danh sách nhân lực đợt 1 sẵn sàng tham gia chống dịch tại các tỉnh phía Nam theo chỉ đạo khẩn của Bộ Y tế, các y bác sĩ, nhân viên kỹ thuật của bệnh viện ngay lập tức đăng ký tham gia từ đợt đầu.
Những dòng tin nhắn ngắn gọn nhưng đầy xúc động, thể hiện sự sẵn sàng lên đường “ngay lập tức” của các y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên bệnh viện Việt Đức, để cùng sát cánh với miền Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong đó, có cặp vợ chồng bác sĩ “tranh nhau” đi chống dịch.
“Bố ơi, cho mẹ đi chống dịch nhá”... “Anh ở nhà trông con cho em đi”... người vợ viết. Trong khi đó, người chồng khẳng định, mình chắc chắn sẽ tham gia tuyến đầu dù “khả năng mắc rất cao”. Anh cũng nhắn nhủ người vợ ở nhà làm “hậu phương vững chắc và yên tâm trông con”.
Đến nay, đã có hàng nghìn nhân lực có mặt tại miền Nam ruột thịt để hỗ trợ công tác chống dịch COVID-19. Và con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi miền Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ về nhân lực và vật lực trong thời gian tới giúp sớm ổn định cuộc sống trở lại.
Ngoài những đoàn hỗ trợ đã có mặt ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng kí và đang chờ lệnh, sẵn sàng lên đường sớm nhất có thể. Trong đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong vòng 2 ngày đã có hơn 2.000 người là bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và làm việc trong các ngành nghề khác đăng ký.
Lực lượng này cũng đang được sắp xếp, phân bổ về các địa phương có nhu cầu để cấp tốc hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch./.