Tin rác điện thoại tra tấn khách hàng: Trách nhiệm nhà mạng ở đâu?
VOV.VN -Người sử dụng điện thoại di động nhận hàng trăm tin nhắn rác, quảng cáo dịch vụ mỗi ngày, gây bức xúc mà chưa có biện pháp giải quyết.
Sáng 29/10, thảo luận về dự thảo Luật an toàn thông tin mạng tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng: Trước tình trạng mất thông tin tài khoản cá nhân khi giao dịch qua mạng, giả mạo hợp đồng điện tử, giả mạo thư tín điện tử cá nhân để giao dịch, cần bổ sung quy định yêu cầu các nhà mạng cung cấp công khai, minh bạch những ứng dụng liên kết trong thông tin mạng cho người sử dụng dịch vụ.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà |
Đối với các hành vi thu thập, sử dụng và lưu trữ thông tin cá nhân trên mạng, kể cả các hành vi thương mại và phi thương mại, cần thể hiện sao cho khả thi hơn. Cần làm rõ hơn vấn đề này nhằm hạn chế các hành vi trục lợi, sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người khác.
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các thông tin cá nhân, theo bà Hồng Hà: Việc bảo vệ thông tin cá nhân mà chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước không thôi là chưa đủ. Thực tế hằng ngày mọi người vẫn trao đổi thông tin qua mạng, sử dụng các giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử…
Khi sử dụng các dịch vụ điện tử, người sử dụng phải kê khai các thông tin cá nhân để cung cấp theo yêu cầu của các nhà mạng và nếu không được bảo vệ thì các thông tin này có thể bị sử dụng trái phép.
“Thực tế chứng minh gần đây người sử dụng điện thoại di động hàng ngày nhận hàng chục, hàng trăm tin nhắn rác, quảng cáo dịch vụ bất động sản… ảnh hưởng không nhỏ đến cá nhân khi sử dụng dịch vụ viễn thông gây bức xúc trong dư luận mà chưa có biện pháp giải quyết. Do vậy tôi đề nghị cần bổ sung một điều về trách nhiệm của nhà mạng bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước” – bà Hồng Hà nói.
Dự thảo Luật an toàn thông tin mạng trình Quốc hội quy định cấm phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
Xâm nhập, khám phá trái phép bí mật mật mã và thông tin đã mã hóa hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin về sản phẩm mật mã dân sự, thông tin về khách hàng sử dụng hợp pháp sản phẩm mật mã dân sự gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân; sử dụng, kinh doanh các sản phẩm mật mã dân sự không rõ nguồn gốc…
Dự thảo cũng nêu rõ: Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận yêu cầu, đồng ý, hoặc người tiếp nhận từ chối, trừ trường hợp người tiếp nhận có nghĩa vụ phải tiếp nhận thông tin theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, dự thảo nhấn mạnh: Cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải xây dựng và công bố công khai chính sách xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân mình.
Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích cụ thể của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập thông tin; không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát cho bên thứ ba trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Theo các đại biểu, việc bảo mật thông tin cá nhân là rất quan trọng, bởi nếu thông tin cá nhân bị đánh cắp, đặc biệt đối với những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên… Các thông tin này sẽ được đem giao dịch mua bán, gây thiệt hại cho chủ thể./.