Tình cảnh của những phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tình dục
VOV.VN -Bạo lực tình dục vẫn diễn ra và nhiều phụ nữ vẫn phải âm thầm chịu đựng trong bóng tối, không dám tố cáo, dù đối tượng đó là chồng mình.
Thông tin tại buổi tọa đàm chính sách “Tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo hành tình dục ở Việt Nam”, do Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Cơ quan Phòng chống ma túy tội phạm của LHQ (UNODC) phối hợp tổ chức ngày 8/12 tại Hà Nội cho biết, bạo lực tình dục diễn ra ở mọi chốn, mọi nơi, tuy nhiên việc đi tìm công lý của nạn nhân trở nên rất gian nan và hầu hết tìm cách im lặng.
Bạo lực tình dục xảy ra ngay tại ngôi nhà của mình
Chia sẻ câu chuyện riêng tư với chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), một cô gái tới từ Huế cho biết, từ khi mới 10 tuổi, cô đã bị bố đẻ “ngắm nghía” mỗi khi thay quần áo hoặc có cử chỉ sờ soạng, xâm hại “vùng kín”. Lúc đó còn nhỏ, tưởng là “tình cảm bố con” nên cô không dám nói với ai. Đến khi lớn lên, người cha có hành vi táo bạo hơn và cô nhận thức được đó là hành vi xâm phạm thân thể của người có “máu dê”, dù đó là ruột thịt. Cô quyết định nói với mẹ và hai mẹ con đã tố cáo hành vi đồi bại của người cha với cơ quan pháp luật.
Các đại biểu trong và ngoài nước tham gia buổi tọa đàm |
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cũng dẫn lại câu chuyện về một bé gái 15 tuổi bị 2 ông trẻ (em bà nội) hãm hiếp nhiều lần. Tuy nhiên, sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, hai “yêu râu xanh” phải nhận án tù thì mọi sự kỳ thị, dè bỉu dân làng đổ dồn lên gia đình cháu bé.
Bà nội nạn nhân cho rằng, tại vì “cháu bé lẳng lơ” nên khiến gia đình 2 ông trẻ tan nát. Không chịu được sự tủi nhục, gia đình cháu bé đã phải chuyển nhà đi chỗ khác. “Hậu quả của bạo lực tình dục rất nặng nề, ảnh hưởng và ám ảnh suốt cả cuộc đời của nạn nhân, thậm chí đưa nạn nhân tới những tình huống tồi tệ” – bà Vân Anh chia sẻ.
Thông tin tại buổi tọa đàm cho thấy, bạo lực tình dục có thể xảy ra tại gia đình hay những nơi được cho là an toàn và bình yên. 86% kẻ tình nghi có mối quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác.
Nghiên cứu của tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Plan quốc tế tại Việt Nam (Plan) và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng; gần 30% phụ nữ hành nghề mại dâm tại Việt Nam cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% trong số họ đã từng bị cưỡng bức tình dục; 10% phụ nữ đã kết hôn tại Việt Nam từng bị chồng tấn công tình dục…
Luật pháp “xâm hại” nạn nhân thêm nhiều lần nữa
Các chuyên gia cho rằng, lý do khiến nạn nhân của bạo lực tình dục không dám lên tiếng vì pháp luật chưa thực sự bảo vệ họ. Nhiều người sau khi tìm đến công an thì bị đánh giá là “quyến rũ người khác”, luật pháp còn bắt chứng minh tổn thương trên cơ thể do đối tượng xâm hại gây ra.
Thậm chí nếu được giải quyết bằng hình thức “xin lỗi công khai” thì chẳng nạn nhân nào dám “ra mặt” trước đám đông, vì không muốn chuyện của mình được cả bàn dân thiên hạ biết và đàm tiếu. Còn trường hợp phạt tiền người chồng bạo hành vợ, thì vô hình chung khiến người vợ phải thêm gánh nặng tài chính vì nhiều trường hợp các chị là lao động chính trong gia đình.
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật TNHH Faci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang chia sẻ, luật pháp hiện thiên về đấu tranh tội phạm mà “quên” bảo vệ quyền của nạn nhân bị bạo lực tình dục. Theo luật sư Tú, số lần nạn nhân chịu tổn thương không phải một, mà hệ thống tư pháp đã xâm hại nạn nhân thêm ít nhất 15 lần nữa. Vì để vụ việc được đưa ra ánh sáng, nạn nhân phải kể đi kể lại nhiều lần với với cơ quan tố tụng, kiểm sát viên, luật sư, tòa án, báo chí, gia đình, hội phụ nữ…
Không bà vợ nào tố cáo chồng
Các chuyên gia cho biết, bạo lực tình dục diễn ra rất nghiêm trọng, tuy nhiên thực trạng này vẫn chưa được báo cáo đầy đủ và nguyên nhân của các vụ việc vẫn thường bị hiểu nhầm hoặc bị “ỉm đi”.
TS. Phan Thị Lan Hương (ĐH Luật Hà Nội) cho biết quấy rối và bạo lực tình dục diễn ra khắp nơi, không chỉ ở những vùng quê hẻo lánh mà từ cơ quan, trường học tới gia đình. Điều đáng nói là hầu hết nạn nhân đều im lặng, không dám lên tiếng, bởi những quan niệm cổ hủ như “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, “xấu chàng hổ ai”… vẫn còn nặng nề và như “lời khuyên vô hình” dành cho nạn nhân của bạo lực lực tình dục.
“Thử hỏi có bà vợ nào đã kiện chồng vì tội hiếp dâm chưa? Chị em bị bạo lực tình dục có gọi 113 để cầu cứu không? Chắc chắn là chưa có. Thế nên bạo lực tình dục vẫn âm thầm diễn ra và nhiều phụ nữ vẫn phải chịu đựng trong bóng tối” – TS. Phan Thị Lan Hương đặt vấn đề.
Bà Lan Hương cho biết, nhiều phụ nữ chưa nhận thức đầy đủ về các hành vi bạo lực tình dục, do đó họ nghĩ đó là quyền của những ông chồng và người vợ phải đáp ứng mà không dám chia sẻ với ai vì xấu hổ. Trong khi đó “bạo lực tình dục” hầu như chưa thấy xuất hiện trong hệ thống luật.
TS. Lan Hương khuyến nghị “nên ban hành nghị định riêng về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bạo lực, có quy định riêng về bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Bên cạnh đó cần mở rộng khái niệm về các tội bạo lực tình dục; bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bạo lực tình dục…”.
“Đã tới lúc chấm dứt sự yên lặng” – đó là thông điệp các chuyên gia khuyến nghị. Ông Chris Batt, Quản lý văn phòng UNODC Việt Nam cho biết: Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên đây lại là một trong những loại hình tội phạm ít bị truy tố nhất trên thế giới. Hơn nữa, chủ đề về bạo lực tình dục lại thường bị coi là chủ đề nhạy cảm để thảo luận công khai vì sự kỳ thị đối với loại hình tội phạm này khiến những ai là nạn nhân buộc phải im lặng khi bị lạm dụng.
“Sự im lặng trước bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải bị phá vỡ. Để đối phó hiệu quả với vấn nạn này, chúng ta cần một cách tiếp cận lâu dài, có hệ thống và toàn diện nhằm thừa nhận và bảo vệ quyền con người bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ” – ông Chris Batt khuyến nghị./.