Tình yêu nước Nga trong tim người Việt

(VOV) -Sự gần gũi, thân thương – đó là cảm xúc chung của những người Việt Nam từng lao động, học tập tại nước Nga

Về nước hàng chục năm nay, nhưng hầu như năm nào, dịch giả Hoàng Thuý Toàn cũng dành thời gian thăm lại nước Nga, những người bạn Nga, nơi ông luôn tâm niệm là quê hương thứ hai của mình.

Nhắc đến nước Nga, ông Toàn bộc bạch: “Vẻ đẹp kỳ vỹ của xứ sở Bạch Dương, sự chân tình của những con người nơi đây đã cuốn hút tôi lúc nào không hay”.

Chính tình yêu mãnh liệt, sự am tường về đất nước, con người và văn hóa Nga đã giúp Hoàng Thuý Toàn thành công trong vai trò của một dịch giả.

Ông đã dịch hàng trăm tác phẩm nổi tiếng của các nhà thơ, nhà văn Nga như: Puskin, Lermontov, Lev Tolstoi, Yesenin sang tiếng Việt, góp phần chuyển tải những giá trị của văn học Nga, văn hóa Nga đến với công chúng Việt Nam.

 

Dịch giả Hoàng Thúy Toàn (Ảnh: Đại đoàn kết)

Năm nào, cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, cảm xúc về nước Nga thân thương, gần gũi lại ùa về trong ông. Theo ông Toàn, cuộc Cách mạng Tháng 10 không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho nhân dân tiến bộ thế giới, mà còn là một động lực, cảm hứng mới cho anh em văn nghệ sĩ.

Ông Toàn tâm sự: “Trong sáng tác, tôi học được rất nhiều suy nghĩ mới, đường hướng mới, phương pháp mới. Phải nói, nền văn học Xô viết phát triển rất mạnh. Nếu không có Cách mạng Tháng 10 Nga, làm sao có được Amatov, người Kistan-dân tộc rất nhỏ ở miền núi trở thành một nhà văn vĩ đại”.

Còn đối với Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - một nhà khoa học hàng đầu của nước ta từng được đào tạo, trưởng thành tại nước Nga lại nhớ đến Cách mạng Tháng 10 qua hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Đây Việt Nam Tháng Tám,

Em Liên Xô Tháng Mười”.

Ông cho rằng, hai câu thơ đã nói lên sự gần gũi, gắn kết giữa hai dân tộc Việt - Nga. Tự hào về đất nước có nền khoa học phát triển, tự hào về mái trường, về thầy cô giáo, bạn bè Nga đã giúp ông trưởng thành, mang tri thức về phục vụ quê hương Việt Nam.

Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói: “Không bao giờ tôi quên được những kỷ niệm sâu sắc trên đất nước Xô Viết. Tôi đã có được gần chục năm sống ở chủ nghĩa xã hội thật sự. Một xã hội hết sức tốt đẹp và đã được hưởng thụ chủ nghĩa quốc tế vô sản. Những người thầy, những người bạn Xô viết lúc nào cũng ghi trong mình một tình cảm sâu đậm đối với nhân dân Việt Nam”.

Không chỉ những nhà khoa học, nhà văn được học tập, trưởng thành trong môi trường đào tạo tiên tiến của nền giáo dục Nga mà cả những người một thời công tác, lao động hợp tác cũng cảm nhận và dành tình cảm đặc biệt về đất nước, con người Nga.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở khu tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một công nhân từng làm việc tại Nhà máy Lông thú Benka, không dấu được xúc động khi nói về năm tháng chị được lao động bên cạnh những người bạn Nga.

Dù chỉ sống ở Nga 3 năm, nhưng những hình ảnh tươi đẹp về đất nước và con người Nga luôn in sâu trong tim chị. Những kỷ vật từ nước Nga mang về gần 20 năm trước vẫn còn vẹn nguyên, được đặt ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà nhỏ của mình.

Chị và cô giáo cũ Natasa vẫn thường xuyên viết thư cho nhau như người trong gia đình. Dù chỉ dạy tiếng Nga cho chị Hạnh và anh em công nhân Việt Nam trong vòng 3 tháng, nhưng cô giáo Natasa đã trở thành người chị gái thân thương, đáng mến của nhiều công nhân như chị Hạnh.

Trong những ngày lễ lớn như kỷ niệm Cách mạng Tháng 10, Tết nguyên đán Việt Nam, họ vẫn thường gửi thiệp chúc mừng nhau.

Nước Nga, người dân Nga, Cách mạng Tháng 10 Nga không chỉ luôn trong trái tim những người đã từng lao động, học tập tại Nga mà mãi trường tồn trong trái tim người dân Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP HCM: Kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng 10 Nga
TP HCM: Kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng 10 Nga

(VOV) -Cách mạng tháng 10 Nga có ý nghĩa đặc biệt, ảnh hưởng đối với Việt Nam.

TP HCM: Kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng 10 Nga

TP HCM: Kỷ niệm 95 năm Cách mạng tháng 10 Nga

(VOV) -Cách mạng tháng 10 Nga có ý nghĩa đặc biệt, ảnh hưởng đối với Việt Nam.

Những người bắc cầu nối văn học Việt - Nga
Những người bắc cầu nối văn học Việt - Nga

(VOV) - Khi xa quê hương, họ đã tìm đến văn chương và song song với quá trình sáng tác ấy, văn học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.

Những người bắc cầu nối văn học Việt - Nga

Những người bắc cầu nối văn học Việt - Nga

(VOV) - Khi xa quê hương, họ đã tìm đến văn chương và song song với quá trình sáng tác ấy, văn học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.