Toàn thắng - Thật hay mơ!
Ngỡ phải đến cuối năm, hóa ra chỉ cuối tháng 4. Tưởng thắng to thôi, nào ngờ toàn thắng. Thắng Huế đã bất ngờ. Giải phóng Đà Nẵng lại bất ngờ. Nhưng giải phóng Sài Gòn chớp nhoáng vậy quả là bất ngờ lớn quá.
Là “lính” trong Tổng hành dinh thật nhưng làm sao mà đoán được. Dù “lính có cỡ” cũng chỉ là quân cờ ngồi trên sân đình. Sẽ đi tiếp nước nào, chỉ “cụ” biết. Bao giờ chiếu tướng, chiếu nước nào để hết cờ là do “cụ” tính, đánh kiểu pháo lồng hay xe lệch do “cụ” định.
Sau ngày toàn thắng nhiều năm mới có nghiên cứu, có tổng kết, phổ biến công khai qua sách báo, đánh giá của nhân chứng, toàn dân mới biết sự kiện rõ ràng. Mới biết ban đầu dự định hai năm, có thời cơ nên dần rút ngắn, cuối cùng chỉ có 55 ngày. Chứ giữa những ngày máu lửa ấy, ý định mưu kế, ai làm, bao giờ làm… đều giữ kín như bưng. Phán đoán kiểu tham mưu con ư, cũng cấm, nhỡ trúng ý “cụ” có phải tan hoang hết không?
Làm “lính” ở Tổng hành dinh, lại “vác loa” tuyên truyền, tốt nhất là thắng đâu, nói đấy; thắng sao nói vậy, thêm là bịa, bớt là có lỗi với chiến sĩ. Thắng mức nào, có thang bậc trong phân tích, bình luận tương ứng với mức ấy. ít đánh nhiều, thắng giòn giã gọi là oanh liệt, trên oanh liệt có thể dùng to lớn, rực rỡ, đã tới vĩ đại là tột cùng, mức “kếch xù” ai dám đùa cợt!
Bổn phận tôi lúc ấy là công bố “Nhật ký chiến thắng”, tên mới của tiết mục “Sổ tay chiến sự” trong chương trình phát thanh QĐND vẫn được buổi thời sự của Đài “nâng cấp” lên trang 1. Hằng tối, nội dung đó lại được đưa lên thời sự trên màn ảnh nhỏ đang ở “chương trình thí nghiệm”. Mỗi trận thắng phải kèm theo bài bình luận, theo phong cách lúc ấy là thắng càng to, bình luận càng dài.
Đoàn quân chiến thắng trước cửa ngõ Sài Gòn |
Khi giải phóng Huế, cảm xúc dạt dào, ý tứ phong phú, mới mẻ dồn đến, viết cũng sướng tay. Không ngờ, ba hôm sau, 29/3 lại giải phóng tiếp Đà Nẵng. Kho chữ chưa cạn nhưng đã vơi đi những mỹ từ. Huế là cố đô, nhưng Đà Nẵng mới là căn cứ phòng thủ liên hợp hải lục - không quân địch ở miền Trung, 10 vạn sinh lực bị tiêu diệt và tan rã. Cấp trên cũng hãm phanh: “Phóng bút vừa vừa chứ, dành cho chiến thắng to hơn”.
To hơn chưa thấy đâu, mà từ ngày 1/4/1975, hai ba ngày lại giải phóng xong một tỉnh, tuy không ào ạt như thế “chẻ tre” trước đó. Giao ban ở Đài, Tổng Biên tập Trần Lâm lại nhắc:
- “Nho xanh chẳng bõ miệng người phong lưu. Hôm qua anh cho người ta ăn rau muống xào, hôm nay phải gà luộc, mai phải chim quay, gà tần. Nghĩa là phải có tin chiến thắng lớn, chứng tỏ ngày càng thắng to. Tâm lý thính giả là vậy!”.
Thế mới khó. Ngành tuyên truyền đã bị khóa: Tuyên huấn không được giết thêm tên địch nào”. Thắng sao nói vậy, không được bơm phồng lên. Trên chiến trường, 7/4 mới đánh xong sân bay Phan Rang, 11/4 đột phá Xuân Lộc, rồi lại bị vướng ở đó. Nghe thông báo nội bộ thì quân ta đánh quá giỏi. Cánh quân phía Đông bám theo đường 1, vừa đi vừa đánh, đạt tốc độ 160km một ngày, chẳng kém gì Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai. Thế rồi cũng tìm ra mẹo nghiệp vụ làm cho ngày nào cũng thắng to. ấy là xâu tin theo lối tổng hợp: đánh tàu, đánh xe, đánh Quân khu 2, đánh Quân khu 1, đánh Tây Nguyên, đánh các tỉnh dọc miền Trung. Thế là ngày nào tin chiến thắng cũng đầy ắp “nhật ký chiến thắng”. Hóa ra, một quả táo lẻ loi thì bé, dăm bảy quả táo xâu lại thành xiên cũng hấp dẫn người cầm.
Gần hết tháng 4, tốc độ phát triển chiến đấu vẫn cứ đều đều. 20/4 mới thắng Xuân Lộc, 21/4 Thiệu chửi Mỹ một hồi rồi từ chức. Vẫn chưa dám nghĩ tới kết thúc.
Cho đến 26/4, khi cánh quân phía Đông của anh Lê Trọng Tấn thẳng hướng tiến vào Sài Gòn, lòng đầy phấn khởi nhưng cũng chưa dám hy vọng. Tư tưởng đánh lâu dài thấm sâu quá “5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa” kia mà. Thế mà lại hóa hay, sẵn sàng đánh lâu mà thắng sớm dễ làm công tác tư tưởng hơn ngược lại.
Nửa buổi sáng 30/4, đạp xe sang 58 Quán Sứ nghe ngóng. Vừa dựng xe ở gốc cây sấu, anh Châu - người kiểm thính số 1 của Đài TNVN - đã vẫy tay: “Vào đây!”. Anh đang lấy sóng theo dõi đài Sài Gòn. Chiếc loa thùng to bằng cái bàn học dựng đứng đang kêu rào rào. Bỗng nghe tiếng người: “Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra lệnh toàn thể quân lực ngừng chống cự…”.
Giải phóng Sài Gòn, toàn thắng rồi ư? Thật hay mơ? Tôi giục anh Châu: “Báo cáo cho Tổng Biên tập biết đi!”. Lặng lẽ kìm nén, niềm vui ấy chỉ mình biết với mình, đạp xe về phòng làm việc trong thành, vào việc của mình: Viết bình luận!
ý tứ tuôn trào dồn dập, đầy ắp. Viết gì, dài hay ngắn? Lúc này ai kiên nhẫn ngồi nghe đài, viết ngắn, càng ngắn càng tốt.
“Toàn dân ta bao năm mong đợi
Cả miền Nam bao năm mong đợi
Hôm nay, 30/4, Sài Gòn đã được giải phóng, Mỹ đã cút, Ngụy đã nhào. Miền Nam đã được giải phóng. Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hoàn toàn nằm trong tay quân và dân ta…”.
Bình luận bắn rơi 100 máy bay Mỹ dài 4 trang, 2.000 từ, khi bắn rơi 4.000 máy bay dài 8 trang, 4.000 từ đọc 20 phút. Lần này, toàn thắng 30 năm kháng chiến chỉ một trang rưỡi, 700 từ. Nào hay khi thủ trưởng Cục phê duyệt cũng đồng ý ngay.
16 giờ 30/4, thông qua xong tin và bình luận. Đạp xe mang văn bản sang đài bá âm, ghi vào băng. Tổ Nói (sau này gọi là phòng) tề tựu đủ mặt anh tài: Việt Khoa, Nguyễn Thơ, Kiên Cường, Tuyết Mai, Lan Hương, Kim Ngôn. Chị Tuyết Mai đề nghị: Ưu tiên cho các chị quê miền Nam đọc trước.
Ngồi trong phòng thu, Lan Hương đọc đến câu "cả miền Nam bao năm mong đợi…" thì bật khóc. Ngừng thôi, thay người. Đến lượt Kim Ngôn thì vừa “toàn dân ta bao năm mong đợi…" đã bật khóc. Cuối cùng phải các lão tướng, gạo cội Việt Khoa, Nguyễn Thơ, Tuyết Mai mới giữ được nhịp đập 75 lần phút của tim để đọc bình luận.
Cả tuần tiếp theo mới tải hết lên sóng các văn kiện: Thông cáo chiến thắng, tổng hợp thành tích chiến dịch, của Nhà nước, của Bộ tổng chỉ huy… Đến 7/5, ngày Đài mở đại hội truyền thanh phát sóng 24/24 giờ sau đó mới tạm hạ gam hành khúc chiến thắng để trở lại nếp thường xuyên.
Như một chiếc xe đang phóng hết tốc lực, bỗng dừng phắt lại, tạo một cảm giác trống vắng trong lòng sau nhiều năm mải mê “chiến thắng”. Có mà điên mới mong được sống lại không khí ngày toàn thắng, nhưng có phải sống trong khói lửa ngày ngày bom đạn mới thấy hết vị ngọt ngào của buổi khải hoàn./.