Ngày Truyền thống ngành Thuỷ sản Việt Nam 1/4:

Tôn vinh và bảo đảm an toàn cho ngư dân

Ngư dân không chỉ khai thác tài nguyên, làm giàu cho đất nước mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển

Với sự lớn mạnh không ngừng của hơn 50 năm qua, nghề cá Việt Nam đã có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà và đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển. Không chỉ khai thác tại vùng biển Việt Nam mà những chuyến tàu cá của ngư dân nước ta đã bắt đầu chuẩn bị cho những chuyến khai thác hợp pháp thông qua chương trình hợp tác nghề cá tại các vùng biển nước bạn.  Tuy nhiên, để mở rộng lĩnh vực này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Buổi sáng ở Cửa Hội

Nhân Ngày Truyền thống ngành Thuỷ sản Việt Nam (1/4), phóng viên VOV phỏng vấn ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản.

PV: Thưa ông, ngày 1/4 hàng năm được lấy là Ngày Nghề cá Việt Nam, ngày để tôn vinh những người lao động sản xuất đánh bắt hải sản trên biển. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nghề cá trong kinh tế nước nhà cũng như vị thế của ngư dân trong bối cảnh hiện nay?

Ông Chu Tiến Vĩnh: Trong 50 năm qua nghề cá có bước tiến rất lớn, từ nghề cá thủ công, cơ sở chế biến, dịch vụ manh mún, ngành thuỷ sản đã vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm 4 tỷ USD. Đến giờ phút này, toàn đội tàu khai thác thuỷ sản của Việt Nam đã lớn mạnh lên 120.000 chiếc. Đồng thời có rất nhiều nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế, các cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá cũng được đầu tư nâng cấp và từng bước đáp ứng được yếu cầu.

Vị thế của ngư dân ngày càng được khẳng định, người dân không những khai thác tài nguyên làm giàu cho đất nước, cho gia đình mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển, nhất là khi chúng ta thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

PV: Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển đảo của Tổ quốc đã có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho đất nước và quan trọng hơn là khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển đảo.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tàu cá, ngư dân của Việt Nam bị phía nước ngoài bắt giữ đang trở nên rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vậy làm thế nào để bảo vệ cho ngư dân khai thác chính đáng trên biển, thưa ông?

Thuyền về

Ông Chu Tiến Vĩnh

: Quan điểm của Nhà nước Việt Nam là phải bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân là một bộ phận của dân tộc Việt Nam, việc đảm bảo an toàn tính mạng của ngư dân cũng được đặt lên hàng đầu. Nhà nước luôn tìm mọi cách đảm bảo an toàn hoạt động của ngư dân trên biển, có biện pháp để đảm bảo, giúp đỡ, hỗ trợ cho ngư dân khi có tai nạn, sự cố trên biển.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức một hội nghị về vấn đề này tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị cũng đã đưa ra một số nhóm giải pháp mà chúng ta phải làm cấp tốc ngay. Thứ nhất là cơ sở pháp lý của chúng ta, trước hết là phải rà soát lại toàn bộ văn bản, quy phạm pháp luật, bổ sung, sửa đổi một số điều liên quan đến chế tài xử phạt, xử lý.v.v… Thứ hai là tuyên truyền cho ngư dân về chủ quyền, giáo dục cho ngư dân về lãnh hải, vùng biển Việt Nam, luật biển của các nước khu vực như thế nào để họ có cách ứng xử phù hợp.

Nhưng theo tôi, quan trọng hơn là việc làm sao hợp tác khai thác hữu nghị với các nước một cách chính đáng, ta đưa tàu sang các nước cùng khai thác, chế biến hải sản khai thác được. Về lâu dài, làm sao để chúng ta có thể lớn mạnh và xây dựng được các đội tàu viễn dương, đưa bà con đi khai thác ở các vùng biển thế giới ngoài Việt Nam, chứ không chỉ ở các vùng giáp ranh với các nước.

PV: Hướng mở rộng đánh bắt tại các vùng biển nước bạn để ngư dân có thể khai thác chính đáng lại không hề đơn giản bởi đây là vấn đề rất mới. Tôi được biết một doanh nghiệp ở Bình Định phải mất hơn 2 năm mới hoàn thành thủ tục để đưa tàu Việt Nam sang khai thác tại Indonesia. Rõ ràng đây là việc không thể làm trong ngày một ngày hai. Trong điều kiện hiện nay chúng ta phải làm gì để hỗ trợ ngư dân tốt nhất, thưa ông?

Ông Chu Tiến Vĩnh: Đúng là phía nước ngoài có những đòi hỏi rất cụ thể và khắt khe trong vấn đề này. Không chỉ là đội tàu, mà họ còn đòi hỏi phải xây dựng được những nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất ngư cụ, dịch vụ hậu cần, sửa chữa tàu thuyền ở nước bạn.v.v… mới đồng ý cho đầu tư khai thác. Việc này để từng người dân riêng lẻ làm thì rất khó và phải nói luôn rằng, không thể làm được.

Tôi muốn Nhà nước ta xây dựng lại một số tập đoàn, một số Tổng công ty giống như Thuỷ sản Hạ Long, Biển Đông ngày xưa để làm trụ cột, sang bên đó đàm phán với nước họ, rồi Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư các cơ sở chế biến, dịch vụ nghề cá kiểu như dịch vụ công ích. Về phía đánh cá để cho ngư dân làm, bà con đưa tàu sang đánh cá bên nước bạn hợp pháp, chính đáng. Đây là một trong những dự định mà chúng tôi cần phải làm  trong thời gian tới.

*Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên