TP HCM kiên quyết dẹp các lò gạch thủ công

UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương cho UBND quận 9 lập phương án chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công trên địa bàn quận trong năm 2010.

>> Lò gạch thủ công “đốt cháy” làng quê / 3người chết, 1 người hôn mê do ngộ độc khí lò gạch

Tại quận 9, nghề sản xuất gạch xây dựng là một trong những nghề truyền thống của người dân. Đến nay, trên địa bàn quận vẫn còn đến 150 lò với gần 3.000 lao động làm việc.

Các lò gạch này đều áp dụng phương thức sản xuất thủ công, lò đốt bằng củi, tạo khói ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đời sống cư dân xung quanh. Các lò này lại nằm xen kẽ trong khu dân cư nên mức độ tác hại rất cao.

Để giảm giá thành sản phẩm, nhiều chủ lò còn sử dụng thêm các loại nguyên liệu độc hại như: vỏ trấu, vỏ hạt điều, vỏ xe, dầu cặn… để đốt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từ năm 2003, UBND quận 9 đã nghiêm cấm sử dụng các loại nguyên liệu trên để đốt lò, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra vì các cơ quan hữu trách không quản nổi.

Trước mối nguy hại do các lò gạch này gây ra, từ năm 2000, UBND TP HCM chủ trương di dời các cơ sở trên vào khu sản xuất tập trung và chuyển đổi sử dụng công nghệ lò đốt hiện đại để giảm nguy cơ ô nhiễm. Tuy nhiên, do vấn đề tài chính nên các cơ sở này vẫn dây dưa suốt 10 năm nay.

UBND quận 9 được giao nghiên cứu các chính sách hỗ trợ di dời cho các cơ sở trên theo Quyết định số 99 của UBND TP HCM về quy định một số chính sách tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên