TP HCM “nóng” thực trạng hạ tầng giao thông và cấp phép xây dựng
VOV.VN - Các đại biểu đề cập nhiều để ùn tắc giao thông cũng nnhư vướng mắc trong cấp phép xây dựng ở những xã nông thôn mới.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, HĐND TP HCM khóa IX, sáng nay (8/12), các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trần Trọng Tuấn.
Hai vấn đề bức xúc của cử tri được các đại biểu phản ánh là việc ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố do các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại mới xây dựng và vướng mắc trong cấp phép xây dựng ở những xã nông thôn mới.
Về ùn tắc giao thông đang xảy ra tại trung tâm TP HCM, có nguyên nhân từ việc các công trình tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại liên tiếp mọc lên trong thời gian gần đây.
Thậm chí, tại đường Nam Kỳ Khởi nghĩa, giáp ranh Quận 3 với Quận 1 thường xuyên bị kẹt xe, nhưng Sở Xây dựng vẫn cấp phép xây dựng trung tâm thương mại Saigon Square và tòa nhà Saigon Center cao hơn 40 tầng.
Đại biểu Diệp Hồng Chi đưa ý kiến, trong khi quy hoạch nhà ở thì do Sở Xây dựng cấp phép cho các chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp; còn đối với quy hoạch hạ tầng giao thông thì do Nhà nước thực hiện.
Đại biểu đề nghị Giám đóc Sở Xây dựng đưa ra giải pháp để các chủ đầu tư nhà ở thương mại, hỗ trợ việc thực hiện quy hoạch hạ tầng của nhà nước, góp phần chia sẻ khó khăn cho ngân sách thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho rằng, việc cấp giấy phép xây dựng đối với các tòa nhà cao tầng là căn cứ theo quy hoạch đô thị chung của thành phố. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, việc phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp với sự phát triển đô thị.
Sự thiếu đồng bộ giữa việc đầu tư xây dựng nhà ở với đầu tư hạ tầng kỹ thuật đã được thành phố nhìn ra và sẽ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Sự phát triển đô thị của thành phố đang biểu hiện thiếu bền vững, ảnh hưởng đến kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm môi trường.
“Về lâu dài, thành phố phải có chương trình nhà ở 5 năm và kế hoạch nhà ở hàng năm. Chương trình đó xác định lộ trình và địa điểm khu vực để phát triển nhà ở. Việc phát triển gắn với chương trình và kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có giao thông do thành phố đầu tư. Tránh trường hợp chỗ phù hợp với phát triển nhà ở nhưng thành phố chưa đầu tư hạ tầng sẽ không đảm bảo sự kết nối hạ tầng đó”, ông Tuấn cho biết.
Một vấn đề bức xúc khác cũng được các đại biểu HĐND thành phố đặt ra đối với người đứng đầu ngành xây dựng, đó là việc hàng trăm dự án đã được quy hoạch nhưng không triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục ngàn hộ dân.
Ở các xã nông thôn mới, việc “quy hoạch chồng quy hoạch” khiến người dân khổ sở vì không được phép xây dựng nhà và công trình trên đất, dù họ đã ở ổn định lâu dài.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương trong việc cấp phép và quản lý xây dựng cũng chưa chặt chẽ. Một số cán bộ thanh tra xây dựng có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp./.
Nhiều tuyến đường TP.HCM tiếp tục ngập do triều cường