TP HCM tăng cường chống thực phẩm bẩn dịp Tết
VOV.VN - TP HCM đang tăng cường các đoàn đi kiểm tra chất lượng các sản phẩm, mặt hàng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm.
Với hơn 10 triệu dân, TP HCM là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, bốn lần so với ngày thường.
Để có thể đảm bảo một cái Tết an toàn cho người dân, các ngành chức năng của thành phố đang tăng cường biện pháp chống thực phẩm bẩn.
Kiểm tra cơ sở sản xuất bò khô tại quận Bình Tân |
Ngay lập tức gần 1.000 con heo sống đã bị tạm giữ lại trong vòng 15 ngày để xét nghiệm chất cấm. Điều đáng nói là số lượng heo bị phát hiện có chất cấm sabultamol chủ yếu là từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Thuận…
Không chỉ huy động toàn bộ lực lượng chốt chặn các cửa ngõ vào thành phố để kiểm soát heo có chất cấm, các đoàn thanh tra liên ngành còn tập trung kiểm soát tình trạng heo bơm nước từ các tỉnh khác đưa vào.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM cho biết: “Tình hình an toàn thực phẩm tại thành phố rất đáng báo động vì không giảm so với lúc trước. Nguy cơ này còn nhiều hơn nữa khi số lượng thực phẩm cho thị trường Tết gấp đôi so với ngày thường. Như vậy là quá khả năng sàng lọc và kiểm soát của TP HCM. Chúng tôi đã khoanh vùng được nguy cơ theo từng vùng. Do đó, các tỉnh cần tăng cường kiểm soát tình trạng sử dụng chất cấm trên heo trước khi xuất về thành phố”.
Để kiểm soát tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, TP HCM đã ban hành Kế hoạch 8124 và sau đó là Quyết định 38 về thành lập các đoàn Thanh tra liên ngành cấp thành phố. Tổng số đoàn thành tra, kiểm tra thực phẩm Tết Bính Thân 2016 lên đến 405 đoàn. Trong đó, 3 đoàn thanh tra liên ngành cấp thành phố sẽ đi kiểm tra tại tất cả 24 quận huyện.
Các sở ngành có liên quan cũng thành lập 44 đoàn thanh tra chuyên ngành. Các quận huyện cũng thành lập 39 đoàn kiểm tra. Các phường xã thành lập 319 đoàn kiểm tra về thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành quận 6 phát hiện một cơ sở sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ . |
Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm trong sản xuất, chế biến thực phẩm như phát hiện một số hộ nông dân sử dụng nhớt trong trồng rau muống ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi và tại phường Thạnh Xuân, Quận 12.
Theo ông Thái Thành Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh, để hạn chế tình trạng này, ngoài việc tăng cường tần suất lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng…, thành phố sẽ tổ chức các lớp tập huấn và yêu cầu các hộ nông dân kí cam kết sản xuất rau sạch:
“Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương thanh tra việc sử dụng thuốc ngoài đồng, kiểm tra kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm của nông dân. Với chợ đầu mối thì chúng tôi tiến hành lấy mẫu rau tại các ô vựa. Cũng tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất, sơ chế, chế biến về thực phẩm. Nếu nặng thì sẽ xử lý vi phạm hành chính”- ông Thái Thành Tâm nói.
Sau gần 1 tháng ra quân kiểm tra thực phẩm Tết tại 1.975 cơ sở, cơ quan chức năng đã phát hiện 602 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ đến 30,5%, xử phạt 179 cơ sở với số tiền trên 1 tỷ đồng. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy sản phẩm của 21 cơ sở với trên 1,8 tấn thực phẩm bẩn.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra thực phẩm trong thời điểm trước, trong và sau Tết, một số cơ quan còn cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân thông tin về thực phẩm bẩn và chất cấm B-agonist. Những sản phẩm nông sản thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết sẽ được tăng cường lấy mẫu với khoảng 500 mẫu để phân tích nhiều chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra sẽ nhiều hơn 10% so với năm 2015.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố cho biết: “Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân thành phố trong dịp Tết Bính Thân, TP HCM triển khai 2 hoạt động chính.
Thành phố sẽ có đợt cao điểm về truyền thông, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm cho tất cả các đối tượng từ người sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh cho đến người tiêu dùng. Thứ 2 là tăng cường tần suất kiểm tra để phát hiện ngăn chặn thực phẩm không an toàn như thực phẩm có chất cấm, sử dụng phụ gia trái quy định, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…”.